Hà Nội lập cơ quan cấp thông tin về tài sản bảo đảm

Hà Nội sẽ có một cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin chính xác về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm.
Hà Nội sẽ có một cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin chính xác về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm nhằm ngăn chặn hiệu quả, kịp thời những “kẽ hở” làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các chủ thể tham gia giao dịch có liên quan đến tài sản đó.

Ông Lã Hoàng Hưng (Phó Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội) cho biết thông tin trên tại cuộc họp tăng cường phối hợp trong công tác đăng ký biến động và đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, do Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức ngày 25/5.

Hiện tại, mặc dù pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm đã quy định cụ thể về việc cung cấp thông tin về tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có sự chia sẻ thông tin mà chỉ “mạnh ai người ấy giữ." Người muốn xác minh thông tin thì cứ gửi yêu cầu, nhưng việc cung cấp hay không lại phụ thuộc vào người nắm giữ thông tin.

Nhiều công chứng viên cho biết, việc xác định một mảnh đất, căn nhà có đang bị cấm chuyển nhượng, đang bị thế chấp hay không quả thật không dễ dàng. Không ít trường hợp công chứng viên phải vận dụng đến các mối quan hệ với cơ quan đăng ký nhà đất mới mong có được thông tin.

Và hiển nhiên khi “thông tin của ai người ấy giữ," không có được đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản đảm bảo thì cũng không ít trường hợp công chứng viên đã công chứng "nhầm." Dẫn đến tình trạng một tài sản được đem đi thế chấp vay tiền ở nhiều nơi, bán cho nhiều người hoặc sử dụng sổ đỏ giả để cầm cố, thế chấp, giao dịch… lừa đảo là hiển nhiên.

Chủ tịch Hội Công chứng Hà Nội Chu Văn Khanh cho rằng, đã đến lúc cần có sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để công khai chính xác và minh bạch về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm để hỗ trợ cho công chứng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Hiện các tổ chức hành nghề công chứng vẫn nhận được thông tin ngăn chặn từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng lại không có đầu mối.

Do đó, ông Khanh nhấn mạnh: “Sở Tư pháp cần có sự phối hợp với các cơ quan xác định đầu mối tiếp nhận thông tin và cung cấp cho các tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên cũng phải xác định rõ thông tin nào là chính thống để ngăn chặn. Đây là việc khó cho nên đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan."

Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Nắng Mai (Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Trước đây chúng tôi vẫn gửi thông tin ngăn chặn cho các tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, từ sau khi hệ thống công chứng tư ra đời, số lượng các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố nhiều hơn nên việc gửi thông tin ngăn chặn hết sức tốn kém, mất nhiều thời gian."

Bà Mai cũng đề xuất, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có thể được trực tiếp đăng nhập vào phần mềm dữ liệu tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm, để vừa gửi “chiều đi” là thông tin ngăn chặn, vừa có thể sử dụng phần mềm để tra cứu các thông tin, dữ liệu liên quan đến văn phòng…

Khẳng định vai trò của các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, ông Đặng Mạnh Tiến (Trưởng phòng Công chứng số 4) cho rằng, trong thời gian chờ đợi quy chế phối hợp được ban hành, cần có sự phối hợp cung cấp thông tin từ phía các văn phòng, nếu không sẽ rất nan giải.

“Nhiều trường hợp công chứng viên ký chứng thực xong, giấy tờ, tài liệu thật giả chưa biết nhưng sang văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tra cứu, phát hiện giấy tờ, tài liệu có vấn đề đã yêu cầu dừng giao dịch với bên thứ ba nên đã tránh được cho công chứng viên rất nhiều hậu quả đáng tiếc”, ông Tiến cho biết.

Liên quan tới nội dung này, ông Lã Hoàng Hưng (Phó Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội), cho biết hiện Sở Tư pháp đã xây dựng phần mềm tích hợp thông tin lịch sử giao dịch tài sản để tránh phát sinh hậu quả trong mua bán, thế chấp tài sản.

Sở Tư pháp cũng đã có công văn gửi các đơn vị có liên quan, yêu cầu khi có thông tin về tài sản cần ngăn chặn thì báo ngay về sở Tư pháp. Tránh trường hợp như tại thị xã Sơn Tây vừa qua, bị mất hàng trăm phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chậm báo cáo để ngăn chặn.

Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng sẽ xây dựng một phần mềm quản lý phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các cơ quan, đơn vị nếu phát hiện mất phôi cần gửi số series về Sở để đưa lên phần mềm này để phòng ngừa, tránh tình trạng lừa đảo, làm giả giấy chứng nhận, hoặc thực hiện nhiều giao dịch trên một tài sản.

Về tiến độ triển khai xây dựng cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin chính xác tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Trương Thị Nga khẳng định, việc trao đổi, chia sẻ thông tin, nghiệp vụ để tránh sai sót, đảm bảo an toàn giao dịch là trách nhiệm của tất cả các cơ quan có liên quan. Sở Tư pháp Hà Nội sẽ chủ động phối hợp với các ngành có liên quan sớm hoàn thiện quy chế phối hợp trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp./.

Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục