Kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản tăng hơn 30%

Kim ngạch xuất khẩu sang Nhật tăng liên tục từ đầu năm, với tốc độ tăng trưởng 7 tháng qua đạt trên 30% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tăng liên tục từ đầu năm đến nay, với tốc độ tăng trưởng trong bảy tháng đầu năm nay đạt trên 30% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong bảy tháng qua, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 5,4 tỷ USD, chiếm 10,4 % trong tổng kim ngạch xuất xuất hàng hóa của cả nước.

Nhật Bản hiện là thị trường nhập khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, ngoài cao su và khoáng sản, các mặt hàng khác như dệt may, thủy sản, dây điện và dây cáp điện, giày dép cũng ngày càng được ưa chuộng tại thị trường này, đặc biệt là mặt hàng dệt may.

Trong những năm gần đây, dệt may luôn là mặt hàng chủ đạo xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, nhất là từ khi Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ tháng 10/2009, với quy định giảm tất cả các mức thuế đối với hàng dệt may nhập khẩu vào Nhật Bản xuống 0%, đã tạo cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này.

Ngay cả khi Nhật Bản chịu tác động về thảm họa động đất, sóng thần, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Nhật Bản không có dấu hiệu giảm. Bảy tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 859 triệu USD tăng 47,2% so với cùng kỳ, đứng thứ ba trong số các thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và EU.

Kế đến là mặt hàng dầu thô với kim ngạch xấp xỉ 716 triệu USD, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Thủy sản cũng là một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu đạt 469 triệu USD trong bảy tháng qua, tăng xấp xỉ 2,2%.

Ngoài các mặt hàng trên, sản phẩm giày dép của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng đạt mức tăng trưởng cao và ngày càng được ưa chuộng tại đất nước Mặt Trời mọc này, với mức tăng 58,3% đạt 150 triệu USD.

Để tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu ổn định sang thị trường Nhật Bản trong những năm tiếp theo, Bộ Công Thương cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu và tìm hiễu kỹ những đặc thù của thị trường Nhật Bản, ngoài các khách hàng truyền thông cần mở rộng thêm quan hệ với các khách hàng mới.

Bên cạnh đó, những vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, cũng là những yêu cầu rất cơ bản khi làm hàng xuất khẩu sang thị trường Nhât Bản mà doanh nghiệp trong nước cần phải quan tâm./.

Khánh Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục