NATO: "Nhiều khả năng" Nga can thiệp quân sự vào Ukraine

Tổng thư ký NATO nhận định "nhiều khả năng" Nga can thiệp quân sự vào miền Đông Ukraine khi không có dấu hiệu cho thấy Moskva đang rút quân khỏi khu vực gần biên giới Ukraine.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen (phải) hội đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Kiev. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng Reuters đưa tin ngày 11/8, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhận định "nhiều khả năng" Nga có thể can thiệp quân sự vào miền Đông Ukraine, trong khi khối quân sự này không nhận thấy dấu hiệu về việc Moskva đang rút lực lượng khỏi khu vực gần biên giới Ukraine.

Khi được đề nghị đánh giá về khả năng Nga can thiệp quân sự, ông Rasmussen nói: "Khả năng đó rất cao... Chúng tôi nhận thấy người Nga đang thêu dệt câu chuyện và lý do cho một chiến dịch như vậy dưới vỏ bọc hoạt động nhân đạo, trong khi việc tăng cường binh lực có thể được dùng để tiến hành các hoạt động quân sự bất hợp pháp tại Ukraine."

Trước đó, ngày 6/8, NATO ra tuyên bố cho biết Nga đã tập trung khoảng 20.000 quân ở khu vực biên giới phía Đông của Ukraine và có thể viện cớ thực hiện sứ mệnh nhân đạo hoặc gìn giữ hòa bình để triển khai số binh lính này sang lãnh thổ Ukraine.

Nữ phát ngôn viên NATO Oana Lungescu nhấn mạnh trong tuyên bố rằng: "Chúng tôi không đoán được ý nghĩ của Nga, song chúng tôi có thể thấy điều Nga đang làm trên thực địa và đó là mối quan ngại lớn. Nga đã tập trung khoảng 20.000 quân sẵn sàng tác chiến tại khu vực biên giới phía Đông Ukraine. Động thái tăng cường quân đội mới nhất này của Nga làm leo thang tình hình và hủy hoại những nỗ lực nhằm tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng (ở Ukraine). Đây là tình huống nguy hiểm."

Trong tuyên bố, NATO cũng bày tỏ quan ngại Moskva có thể sử dụng "chiêu bài thực hiện sứ mệnh nhân đạo hoặc gìn giữ hòa bình như một cái cớ để đưa quân vào khu vực miền Đông Ukraine."

Trước đó, Nga đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và NATO rằng Moskva đã đột ngột tăng cường số lượng binh sĩ dọc biên giới với Ukraine.

Hãng Interdax dẫn lời Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Igor Konashenikov nêu rõ: "Tôi muốn giải thích với giới chức Lầu Năm Góc và NATO rằng việc di chuyển số lượng tới hàng nghìn binh sĩ và trang thiết bị như vậy là bất khả thi trong một khoảng thời gian ngắn, hơn nữa còn không bị các quan sát viên OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) ở trong khu vực phát hiện"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục