Anh có nguy cơ phải kéo dài "thắt lưng buộc bụng"

Anh có thể sẽ phải áp dụng các biện pháp khắc khổ với trọng tâm là cắt giảm chi tiêu công một thập kỷ nữa do kinh tế phục hồi chậm.
Ngày 7/6, Viện Nghiên cứu tài chính (IFS) và Viện Nghiên cứu về chính phủ (IfG) của Anh cảnh báo nước này sẽ phải áp dụng các biện pháp tài chính khắc khổ với trọng tâm là cắt giảm chi tiêu công trong một thập kỷ nữa do kinh tế phục hồi chậm.

Điều này đồng nghĩa "thắt lưng buộc bụng" về ngân sách tiếp tục là chủ đề chi phối 2 cuộc tổng tuyển cử vào các năm 2015 và 2020.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, trong một nghiên cứu chung, IFS và IfG cho rằng khó khăn về kinh tế sẽ khiến 250.000 người nữa mất việc làm. Tình hình sẽ tồi tệ hơn khi giá dầu Biển Bắc giảm và chi phí khám chữa bệnh tăng.

Phó Giám đốc IFS Carl Emmerson dự báo bất kỳ người nào đảm nhận chức bộ trưởng Tài chính sau cuộc tổng tuyển cử năm 2015 cũng sẽ phải triển khai chính sách đầu tiên là tăng thuế để có thêm nguồn thu ngân sách.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính George Osborne từng thừa nhận Anh có thể phải kéo dài các chính sách khắc khổ về tài chính hiện nay trong 2 năm đầu tiên của Quốc hội khóa mới, trong khi ông Julian McCrae, quan chức IfG, cho biết kinh nghiệm xử lý tình trạng thâm hụt ngân sách trên thế giới cho thấy nước Anh sẽ phải kéo dài chính sách này để giải quyết vấn đề nợ công.

Mặc dù chính phủ đã nỗ lực cắt giảm chi tiêu ngân sách, nhưng nợ công của Anh vẫn chưa giảm mạnh. Theo ông McCrae, đến năm 2017-2018, nợ công của Anh sẽ tương đương 90% GDP của nước này.

IFS và IfG nhận định nếu Chính phủ Anh duy trì mức chi cho y tế, giáo dục và viện trợ quốc tế như hiện nay thì ngân sách của các bộ ngành sẽ phải giảm trung bình 8%, thậm chí tới 10% nếu ông Osborne dành ngoại lệ cho bộ Quốc phòng và bộ Nội vụ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục