BRICS - Những bước đi khẳng định vị thế toàn cầu

Hội nghị BRICS diễn ra ở Nam Phi được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt nhằm khẳng định vai trò nhóm này trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi phát triển nhất thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang diễn ra tại Durban (Nam Phi) đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận bởi BRICS đang có những bước đi mang tính bước ngoặt nhằm khẳng định vai trò của nhóm này trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt khi tình hình kinh tế-chính trị thế giới ngày càng diễn biến phức tạp.

Có lẽ chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Goldman Sachs Jim O’Neil không thể tưởng tượng được rằng cụm từ “BRICs” mà ông đề cập năm 2001 để nói tới 4 nước mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc trong một nghiên cứu của mình sau này lại có thể gắn kết sức mạnh của 5 nền kinh tế mới nổi phát triển nhất thế giới.

Hội nghị đầu tiên của các nhà lãnh đạo các nước thành viên BRICS diễn ra tại Yekateringburg (Nga) đã thảo luận việc làm thế nào để đưa thế giới vượt qua khủng hoảng tài chính và cải cách hệ thống tài chính toàn cầu.

Năm 2011, BRICS kết nạp thêm Nam Phi - nền kinh tế lớn nhất châu Phi, và cuộc gặp tại Durban là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của BRICS tại châu lục này.

Theo thống kê, hiện dân số của các nước BRICS chiếm 43% tổng dân số thế giới, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm 25% tổng GDP thế giới và 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.

Với mục tiêu tạo ra sức mạnh ảnh hưởng nhằm cân bằng kinh tế toàn cầu, ủng hộ các nền kinh tế đang phát triển vượt qua mọi rào cản về địa lý và ý thức hệ trong bối cảnh phức tạp của toàn cầu hóa, các nền kinh tế BRICS đã tạo ra một diễn đàn đối thoại và hợp tác rất ấn tượng.

Hội nghị Durban, với chủ đề “BRICS và châu Phi: Đối tác vì Phát triển, Hội nhập và Công nghiệp hóa," đã đánh dấu một bước chuyển mình mới và ngoạn mục của BRICS, hướng tới mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo thế giới trong tương lai gần.

Ngay trong ngày họp đầu tiên, các nhà lãnh đạo BRICS đã đạt được thỏa thuận thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS nhằm mục đích cung cấp tài chính cho các dự án hạ tầng cơ sở lớn của các nước trong nhóm.

Việc thành lập ngân hàng riêng là một dự án lớn của BRICS và là bước đi đầu tiên của nhóm nhằm hợp nhất các chính sách kinh tế của 5 nền kinh tế mới nổi. Dự tính, ngân hàng mới này sẽ được cấp vốn khoảng 50 tỷ USD, trong đó mỗi nước đóng góp 10 tỷ USD.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, châu Âu ngày càng lún sâu vào khủng hoảng nợ công, việc ra đời ngân hàng phát triển chung của BRICS được cho là nhằm đối trọng với các định chế tài chính mà phương Tây chế ngự suốt nhiều thập kỷ qua.

Hiện các thể chế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đều đang đứng trước những yêu cầu cấp bách phải cải cách mạnh mẽ để đảm bảo tốt hơn lợi ích của các nước đang phát triển và kém phát triển.

Giới chuyên gia cho rằng việc Ngân hàng Phát triển BRICS ra đời là một bước đi cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập một trật tự toàn cầu công bằng hơn. Một ngân hàng chung sẽ cho phép các nước BRICS có nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng và công cụ tín dụng để đối phó với các cuộc khủng hoảng như châu Âu hiện đang phải đối mặt.

Bên cạnh đó, BRICS cũng thành lập một quỹ ngoại hối trị giá hàng trăm tỷ USD để các nước có thể hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Hiện tổng dự trữ ngoại tệ của các nước BRICS lên tới 4.400 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 3/4. Với lượng dự trữ ngoại hối lớn như vậy, BRICS được đánh giá là có khả năng hỗ trợ châu Âu một cách hiệu quả. Ngoài ra, nhóm này cũng dự định thành lập Hội đồng kinh doanh BRICS và Viện nghiên cứu chính sách BRICS.

Trong khi các nước BRICS đang nhóm họp tại Nam Phi, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của BRICS trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp.

Theo báo cáo của UNCTAD, dòng vốn đổ vào 5 nền kinh tế mới nổi này trong thập kỷ qua đã lên tới 263 tỷ USD. Năm ngoái, luồng vốn đầu tư của các nước BRICS ra nước ngoài đạt 126 tỷ USD, chiếm 9% tỷ trọng thế giới; 42% số vốn đầu tư đổ về các nước công nghiệp phát triển. Châu Phi là nơi đón nhận rộng rãi các luồng vốn từ các nước trong nhóm BRICS.

Không chỉ trong các vấn đề kinh tế, BRICS cũng đang từng bước khẳng định vai trò trong việc giải quyết các vấn đề chính trị toàn cầu mà thách thức trước mắt là cuộc khủng hoảng Syria, nơi cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ngày càng trở nên nghiêm trọng bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng các thành viên BRICS cần đóng vai trò lớn hơn không chỉ trong việc giải quyết các cuộc xung đột ở Syria, Afghanistan, mà cả vấn đề hạt nhân của Iran, tiến trình hòa bình Israel-Palestine và nhiều vấn đề “nóng bỏng” khác.

Ông Putin muốn BRICS chuyển từ một diễn đàn đối thoại và phối hợp hành động trong một số vấn đề giới hạn thành một cơ chế hợp tác địa chiến lược, cho phép tìm ra giải pháp cho những vấn đề quan trọng trong nền chính trị toàn cầu.

Nhận định về vai trò của BRICS, chuyên gia người Nga Georgy Toloraya cho rằng BRICS có thể trở thành “người thay đổi cuộc chơi và ổn định thế giới” trong tương lai. Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền tại Nam Phi cũng đánh giá Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này rất quan trọng đối với việc "định hướng lại" tương lai của các nước đang phát triển và thiết lập các nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang bị đe dọa bởi nguy cơ sụp đổ của một số nền kinh tế.

Với sự hội tụ của sức mạnh kinh tế, sức ảnh hưởng chính trị và tiềm năng phát triển to lớn, BRICS đang trên con đường tiến tới một tầm nhìn chung với những bước đi mạnh mẽ nhằm khẳng định vai trò đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị trên bàn cờ quốc tế./.

Bích Liên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục