Phát triển hợp tác quốc gia về việc làm bền vững

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng ILO tổ chức Hội thảo thực hiện Chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững.
Ngày 14/8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo thực hiện Chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững Việt Nam-ILO giai đoạn 2012-2016.

Hội thảo nhằm phổ biến, triển khai thực hiện chương trình hợp tác quốc tế về việc làm bền vững và thảo luận biện pháp nâng cao nhận thức của các bên về chương trình việc làm bền vững giai đoạn 2012-2016; về hình thành mạng lưới liên kết giữa các cơ quan thực hiện chính sách và pháp luật để thúc đẩy việc làm bền vững.

Ông Nguyễn Bá Ngọc, phó Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức và thông tin quảng bá về Chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững Việt Nam-ILO; hoàn thiện khuôn khổ luật pháp và chính sách; nâng cao năng lực đối tác ba bên và thúc đẩy thực hiện cơ chế đối thoại xã hội; tăng cường đầu tư cho các cơ quan nghiên cứu, tổ chức cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư vấn, phân tích thực hiện chương trình. Ông Nguyễn Bá Ngọc cho rằng, cần tổ chức một bộ phận thường trực giám sát, đánh giá việc thực hiện mục tiêu của Chương trình.

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, qua một năm thực hiện, chương trình đã có những phân tích, dữ liệu, chiến lược và chính sách hiệu quả góp phần phát triển thị trường lao động, việc làm bền vững; đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh phi chính thức có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn và mở rộng hiệu quả diện bao phủ của an sinh xã hội.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng phòng Hợp tác đa phương (Bộ LĐTB&XH), trong giai đoạn tới sẽ có một số nội dung ưu tiên triển khai Chương trình như: Thực hiện hiệu quả về nội dung, tiến độ và chi tiêu hợp lý đối với các dự án hợp tác hiện hành, đối với các dự án mới cần bám sát công tác thực tế; ưu tiên các hoạt động xây dựng luật pháp, chính sách và nâng cao năng lực thi hành pháp luật; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện; rà soát, bổ sung danh mục, lộ trình nghiên cứu và phê chuẩn các công ước của ILO; tăng cường phối hợp với các đối tác ba bên ở cấp Trung ương, địa phương, gắn các hoạt động hợp tác Việt Nam-ILO với các hoạt động ASEAN-ILO và phân công đầu mối báo cáo về các lĩnh vực hoạt động chính./.

Thu Hoài (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục