Tây Ban Nha lên tiếng bác khả năng vỡ nợ công

Tây Ban Nha đã bác lời đồn đoán sẽ trở thành con bài "đôminô" vỡ nợ công tiếp theo, giữa lúc khó khăn tài chính làm tăng quan ngại.
Ngày 7/4, Tây Ban Nha lên tiếng bác bỏ lời đồn đoán nước này sẽ trở thành con bài "đôminô" vỡ nợ công tiếp theo, giữa lúc khó khăn tài chính ở Bồ Đào Nha làm gia tăng những quan ngại về tình hình tài chính ở các nước yếu kém khác trong Khu vực đồng euro, bao gồm Tây Ban Nha.

Phát biểu trên Đài phát thanh nhà nước Tây Ban Nha, Bộ trưởng Tài chính nước này Elena Salgado khẳng định Tây Ban Nha hoàn toàn không chịu tác động từ quyết định xin cứu trợ vỡ nợ của Bồ Đào Nha vì kinh tế Tây Ban Nha lớn, đa dạng và sinh lợi hơn kinh tế của nước láng giềng Bồ Đào Nha.

Chia sẻ lập trường với bà Salgado, người đứng đầu Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) Angel Gurria cho rằng việc "đánh đồng" Tây Ban Nha với những nước có mức nợ công cao như Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland là không chính xác và không công bằng.

Quan chức này nhấn mạnh Tây Ban Nha sẽ không gặp phải những vấn đề tương tự như Bồ Đào Nha. Ủy ban châu Âu (EC) ủng hộ Madrid với lời nhận xét Tây Ban Nha sẽ đáp ứng các mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách nhà nước trong năm 2010 và 2011.

Chuyên gia Jesus Castillo làm việc tại Ngân hàng Natixis cho biết căn cứ vào các yếu tố như cải cách kinh tế, tình hình chính trị và mức nợ công thì tình hình ở Tây Ban Nha khác với Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, về trung hạn, kinh tế Tây Ban Nha vẫn "mong manh," đòi hỏi chính phủ nước này phải cân bằng các hoạt động tài chính công.

Kinh tế Tây Ban Nha liên tục "giảm tốc" lần lượt 3,7% và 0,1% trong hai năm trước sau hơn một thập kỷ tăng trưởng nhờ thị trường bất động sản làm ăn phát đạt. Kinh tế suy yếu dẫn đến hệ lụy là tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 20,33% vào cuối năm 2010, mức cao nhất trong các nước OECD.

Chính phủ Tây Ban Nha đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ 11,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2009 xuống dưới mức trần 3% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2013. Để đáp ứng mục tiêu này, Madrid đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm giảm chi tiêu, cải cách thị trường lao động, chế độ lương và khu vực ngân hàng.

Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ tư trong Khu vực đồng euro. Nếu nước này vỡ nợ công, tiền cứu trợ dành cho Madrid sẽ lớn hơn tổng số tiền cứu trợ Ireland, Hy Lạp và Bồ Đào Nha gộp lại.

Cùng ngày 7/4, các viện kinh tế hàng đầu của Đức ra báo cáo chung cho biết kinh tế nước này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2,8% trong năm 2011, cao hơn nhiều so với mức dự báo 2% trước đó của giới phân tích và mức dự báo 2,3% của chính phủ.

Sự gia tăng mạnh mẽ này có được là nhờ nhu cầu bên ngoài và tiêu dùng trong nước. Tiêu dùng trong nước có thể sẽ tăng 1,2% trong năm nay và năm tới, so với 0,4% trong năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990. Triển vọng kinh tế sáng sủa này là tiền đề dẫn đến những cải thiện rõ ràng về tài chính, với thâm hụt ngân sách sẽ giảm xuống 1,7% trong năm nay và 0,9% trong năm tới.

Báo cáo cũng cho biết tại thời điểm hiện nay, kinh tế thế giới không chịu tác động nghiêm trọng từ tình hình hỗn loạn ở một số nước Arập, cũng như thảm họa động đất gây sóng thần và sự cố hạt nhân ở Nhật Bản. Tuy nhiên, về lâu dài, diễn biến kinh tế thế giới vẫn là điều đáng lo ngại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục