Dấu hiệu tăng trưởng nóng

Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng nóng

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Hai ở Trung Quốc lên đến 2,7%, trong khi chính phủ muốn khống chế lạm phát ở mức 3% trong cả năm.
Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng trưởng nóng, khi chỉ số giá cả tiêu dùng trong tháng Hai đã lên tới 2,7%, cao hơn nhiều so với mức tương ứng 1,5% trong tháng trước đó, trong khi chính phủ muốn khống chế lạm phát ở mức 3% trong cả năm.

Việc chỉ số lạm phát lên tới mức cao nhất trong vòng 16 tháng qua làm dấy lên những tranh luận mới về việc thắt chặt chính sách trong thời gian tới.

Nhà kinh tế Yu Song và Helen Qiao của Goldman Sachs cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng thực tế đã lớn hơn mức độ tiềm năng và tỷ lệ lạm phát đã lên tới mức gần 3%, chính phủ cần phải có các biện pháp quyết liệt hơn để thắt chặt nền kinh tế nhằm ngăn chặn tình trạng tăng trưởng quá nóng.

Tuy nhiên cũng có quan điểm khác, như nhà kinh tế Tao Wang của UBS cho rằng chỉ số giá cả trong tháng Hai tăng mạnh một phần là do ảnh hưởng của dịp Tết cổ truyền vừa qua và chỉ số này không thể so sánh với cùng kì năm ngoái, khi nền kinh tế đang bị trì trệ.

Vì vậy, một số nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc vẫn chưa chịu sức ép của lạm phát.

Chỉ số lạm phát của tháng Hai đã vượt mức lãi suất tiền gửi 2,25% kỳ hạn một năm của các ngân hàng, gia tăng nguy cơ những người gửi có thể rút tiền từ ngân hàng để đầu tư vào thị trường bất động sản vốn đang bị bong bóng.

Trong khi đó, mặc dù tăng trưởng tín dụng giảm đi một nửa trong tháng Hai, xuống còn 700 tỷ Nhân Dân tệ, nhưng tổng số vẫn là cao khi so với số ngày nghỉ Tết trong tháng và số tiền vay trong năm ngoái vẫn còn rất nhiều để sử dụng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ các nhà kinh tế tin rằng chính phủ sẽ xúc tiến các biện pháp thắt chặt tiền tệ lớn trong thời gian tới.

Một số cho rằng chính phủ vẫn lo ngại về sự mong manh của việc phục hồi kinh tế toàn cầu, mặc dù xuất khẩu đã tăng mạnh và đã giảm chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng.

Họ cho rằng các ngân hàng đã được chỉ thị phải giảm cho vay, đặc biệt là cho vay để đầu tư vào bất động sản.

Nhà kinh tế Andy Rothman của CLSA ở Thượng Hải cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp thắt chặt lợi nhuận để làm chậm lại tăng trưởng kinh tế, đưa về mức độ bền vững hơn so với mức độ kích thích tăng trưởng của năm ngoái.

Theo ông, chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra các biện pháp “tượng trưng” về yêu cầu tăng tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng và có thể tăng lãi suất ở mức nhỏ trong nửa cuối năm nay.

Ông cho rằng chính phủ chưa cần thiết phải thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm loại bỏ bong bóng giá bất động sản./.
Minh Tiến (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục