Phiên họp Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu

Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đã tổ chức Phiên họp đánh giá 5 năm triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu.
Ngày 29/8, tại Bắc Kạn, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đã tổ chức Phiên họp lần thứ 9 nhằm đánh giá kết quả và tồn tại sau 5 năm triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu và tiến hành Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu nhiệm kỳ 3 (2103-2015).

Phiên họp có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu, gồm Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương.

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Cầu nhiệm kỳ 2 (2007-2012), cho biết sau 5 năm triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn 2007-2012, các địa phương trên lưu vực sông Cầu đã có nhiều nỗ lực nên chất lượng nước các sông trên lưu vực sông Cầu có xu hướng cải thiện rõ rệt, ô nhiễm môi trường có xu hướng giảm so với trước.

Nhận thức của chính quyền và người dân các địa phương về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong toàn lưu vực được nâng lên. Công tác tổ chức chỉ đạo, điều phối ở cấp lưu vực và cấp tỉnh được hình thành. Kế hoạch triển khai Đề án tại các địa phương đã được ban hành và triển khai tích cực. Đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật môi trường không ngừng gia tăng; hệ thống quan trắc và giám sát môi trường được đầu tư và từng bước hoàn thiện. Công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng hiệu quả, tạo sự chuyển biến đối với nhận thức và hành động của doanh nghiệp và nhân dân.

Nhiều tỉnh đã triển khai và sử dụng hiệu quả kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác cho các dự án, mô hình bảo vệ môi trường trong lưu vực như dự án trồng cây đầu nguồn sông Cầu, mô hình xử lý làng nghề, hỗ trợ các hộ xây dựng hầm bioga, hỗ trợ xử lý nước thải cụm, khu công nghiệp, mô hình xử lý rác thải…

Tuy nhiên, hiện lưu vực sông Cầu vẫn đang bị đe dọa do tác động của tự nhiên và của con người. Lượng nước lưu vực sông Cầu đang có chiều hướng suy giảm, lũ lụt với cường độ lớn và tần suất cao, bồi lấp dòng sông và biến đổi dòng chảy diễn ra khá mạnh mẽ. Cảnh quan sinh thái, thiên nhiên bị biến đổi, các nguồn lợi thủy sản có nguy cơ bị cạn kiệt, những nét đẹp văn hóa gắn với truyền thống và bản sắc các dân tộc bị mai một, đặc biệt chất lượng nguồn nước sông Cầu đang có diễn biến khá phức tạp, nhất là khu vực hạ lưu sông Cầu; đặc biệt là sông Cà Lồ ở Vĩnh Phúc và sông Ngũ Huyện ở Bắc Ninh.

Về số lượng nguồn gây ô nhiễm, tỉnh Bắc Ninh là địa phương có số nguồn gây ô nhiễm nhiều nhất (12 nguồn), tỉnh Bắc Kạn có số nguồn gây ô nhiễm ít nhất (4 nguồn). Chất lượng môi trường nước lưu vực sông Cầu nhiều nơi chưa được cải thiện vẫn đang bị ô nhiễm, chưa xây dựng được cơ chế phối hợp thực sự đồng bộ và hiệu quả giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh...

Việc ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm lưu vực sông Cầu, theo Quyết định 64 thì đến nay mới xử lý được 29/45 cơ sở, đạt 64,4%. Năm 2013, các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Cầu tiếp tục triển khai các dự án xử lý nước thải, chất thải rắn, cấp nước sinh hoạt mới để thực hiện các yêu cầu đề ra của Đề án tổng thể....

Tại phiên họp, đại diện các thành viên thuộc lưu vực sông Cầu nêu kiến nghị việc xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường lưu vực sông tại các địa phương. Công tác hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, khắc phục các đoạn bị ô nhiễm, xây dựng các trạm quan trắc và cơ sở kỹ thuật hạ tầng khác.

Để tiếp tục triển khai Đề án tổng thể sông Cầu trong thời gian tới, Ủy ban bảo vệ môi trường đã đề nghị các thành viên Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Cầu cần khắc phục hạn chế. Việc thảo luận và thông qua các nghị quyết tại các Phiên họp cần có những đề xuất cụ thể, đặc biệt là các vấn đề bức xúc tại địa phương mang tính liên vùng (khai thác cát sỏi không theo quy hoạch, giải quyết các điểm nóng ô nhiễm liên tỉnh, quản lý các vùng giáp ranh)...

Việc kết nối thông tin và phối hợp công tác chủ yếu giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương, sự tham gia của các Bộ, ngành khác rất hạn chế…

Vì vậy, các địa phương nằm trên lưu vực sông Cầu cần tăng cường hơn nữa vai trò của Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, nâng cao nhận thức chung, từng bước ổn định nguồn nước và kiểm soát ô nhiễm.

Kết luận phiên họp, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã khẳng định bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu là yêu cầu cấp thiết và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các tỉnh, thành phố có dòng chảy đi qua.

Thứ trưởng đề nghị ngay sau phiên họp này, 6 tỉnh trong khu vực và các Bộ, ngành liên quan cần sớm triển khai nhanh các giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu; xem xét, giải quyết các khó khăn về cơ chế chính sách.

Tại phiên họp cũng đã diễn ra Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu nhiệm kỳ 3 (2013-2015) cho tỉnh Bắc Giang.

Lưu vực sông Cầu có vị trí quan trọng trong hệ thống sông Thái Bình với tổng diện tích tự nhiên trên 6.000 km2, tổng lượng nước hàng năm khoảng 4,5 tỷ m3, phục vụ tưới tiêu cho diện tích đất nông nghiệp 6 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc./.

Đức Hiếu (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục