Hy Lạp tuyên bố đẩy nhanh "thắt lưng buộc bụng"

Hy Lạp sẽ đẩy nhanh chương trình "thắt lưng buộc bụng," sau khi đảng PASOK cầm quyền gần như chắc chắn giành chiến thắng.
Ngày 14/11, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou tuyên bố sẽ đẩy nhanh chương trình "thắt lưng buộc bụng," sau khi đảng PASOK cầm quyền theo đường lối xã hội của ông gần như chắc chắn đã giành chiến thắng áp đảo trong các cuộc bỏ phiếu vòng hai bầu người đứng đầu các thành phố và khu vực ở nước này, diễn ra ngày 13/11 vừa qua.

Trong bài phát biểu được truyền tải trên tất cả các kênh truyền hình ở Hy Lạp, ông Papandreou khẳng định trong năm tới, chính phủ sẽ dốc sức thực hiện những thay đổi lớn giúp Hy Lạp "hồi sinh và tự đứng vững," đồng thời nhấn mạnh chính phủ còn 3 năm để thực hiện dứt điểm chương trình "thắt lưng buộc bụng" nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi nguy cơ vỡ nợ.

PASOK nắm quyền điều hành đất nước từ tháng 10/2009 với nhiệm kỳ 4 năm. Theo Thủ tướng Papandreou, cuộc bầu cử khu vực lần này là "cuộc bỏ phiếu tín nhiệm" đối với chương trình "thắt lưng buộc bụng" của Athens, đặc biệt trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị thanh tra việc thực hiện kế hoạch này để đổi lấy gói cứu trợ 110 tỷ euro (150 tỷ USD).

Thủ tướng Papandreou khẳng nhận kết quả bầu cử là tín hiệu rõ ràng cho thấy người dân Hy Lạp muốn chính phủ "ổn định và thay đổi" bộ mặt đất nước, đồng thời giúp hủy bỏ kịch bản tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.

Trước đó, Thủ tướng Papandreou từng tuyên bố sẽ đưa ra đề nghị này nếu PASOK thất bại trong các cuộc bầu cử khu vực vì điều này đồng nghĩa với việc cử tri không trao cho PASOK sứ mệnh thực hiện chương trình cải cách kinh tế.

Bộ Nội vụ Hy Lạp cho biết với gần 1/3 số phiếu được kiểm, PASOK đã giành chiến thắng tại 8 trong số 13 khu vực trên toàn Hy Lạp, trong đó có 2 cuộc đua mang tính quyết định là thủ đô Athens, vốn là "đại bản doanh" trong 14 năm qua của đảng Dân chủ Mới theo đường lối bảo thủ và thành phố Attica, nơi sinh sống của một nửa dân số Hy Lạp. PASOK giành chiến thắng mong manh trong các cuộc bầu cử vòng một diễn ra trước đó một tuần.

Hy Lạp tạm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ sau khi nhận được gói cứu trợ khẩn cấp EU/IMF tháng 5 vừa qua. Nước này hiện ít có cơ hội đáp ứng mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách nhà nước xuống 8,1% GDP trong năm nay, do những thiếu hụt về nguồn thu từ thuế và những điều chỉnh thâm hụt năm 2009./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục