Bàn giải pháp nâng cao chất lượng dòng vốn FDI

Gần 300 đại biểu trong nước và quốc tế sẽ cùng nhau bàn thảo về các giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào VN.

Khoảng 250 đại biểu, gồm lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, Ban quản lý Khu công nghiệp, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước sẽ tập trung đánh giá thực trạng hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam trong một hội thảo quốc tế chuyên đề về lĩnh vực FDI vào ngày 15/3 tới, tại Hà Nội.

Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 15/3 tại Hà Nội do Báo Đầu tư phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài, Tạp chí Kinh tế và Dự báo thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư và Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức. Tại cuộc họp báo công bố về sự kiện quan trọng này, đại diện ban tổ chức cho biết các đại biểu tham dự hội thảo sẽ cùng phân tích mặt tích cực, hạn chế và nguyên nhân đồng thời thảo luận định hướng và các giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng FDI trong những năm tới, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020. Hội thảo cũng là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trao đổi, đánh giá về môi trường đầu tư Việt Nam, những rào cản và biện pháp tháo gỡ nhằm tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 25 năm qua, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã có tác động lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước thông qua việc sản xuất, cung cấp linh, phụ kiện, cũng như tạo áp lực thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong việc thu hút và quản lý FDI thời gian qua còn những bất cập và hạn chế. Mặt khác, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, nhất là tình trạng thiếu điện, năng lực hạn chế của hệ thống cảng biển và các công trình hạ tầng liên quan, sự thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động đã qua đào tạo, kỹ sư, cán bộ quản lý, tiếp tục là những rào cản đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, làm giảm khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Tính lũy kế đến hết tháng 2/2012, tổng số dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam là 13.530 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 200 tỷ USD. Trong số này, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội là các địa phương thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất cả nước.

Hiện tại, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc là các quốc gia dẫn đầu về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục