Lào Cai hoạt động nhà máy lâm sản 1,2 vạn m3

Ngày 2/3, Công ty Cổ phần Công nghiệp rừng Lào Cai đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến lâm sản công suất 1,2 vạn mét khối/năm.
Ngày 2/3, Công ty Cổ phần Công nghiệp rừng Lào Cai đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến lâm sản công suất 1,2 vạn mét khối/năm.

Đây là nhà máy chế biến lâm sản có công suất lớn nhất trên địa bàn Lào Cai, đặt trên địa bàn xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, thuận lợi về giao thông đường sắt, đường bộ giữa các địa phương có vùng nguyên liệu trong tỉnh và việc tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh miền xuôi cũng như xuất khẩu.

Nhà máy chế biến gỗ Lào Cai được khởi công tháng 8 năm 2006, nhưng do ảnh hưởng về tài chính và các lý do khác, nên chính thức từ năm 2010 trở lại đây tiến độ mới được đẩy mạnh. Công suất của nhà máy cũng được điều chỉnh giảm từ 35 vạn m3 gỗ nguyên liệu/năm xuống còn 1,2 vạn m3 sản phẩm/năm.

Trong đó có trên 7.000m3 gỗ ghép thanh và 5.000m3 gỗ ván ép. Tổng mức đầu tư cũng tăng từ 95 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng (có 40 tỷ đồng vốn vay ngân hàng, còn lại là vốn huy động từ các cổ đông). Trên diện tích mặt bằng 3,3ha, nhà máy có 3 phân xưởng, 2 dây chuyền chế biến gỗ, các thiết bị máy móc đều được nhập mới 100% từ Đài Loan (Trung Quốc).

Nguyên liệu chế biến chính gồm gỗ mỡ, gỗ bồ đề, keo, gỗ tạp… sản xuất, chế biến theo dây chuyền khép kín, được áp dụng công nghệ tiên tiến của thị trường Đài Loan và Đức. Sản phẩm đồ gỗ của nhà máy không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản và Mỹ với kim ngạch xuất khẩu dự kiến từ 10 đến 12 triệu USD/năm.

Để có đủ nguyên liệu chế biến, trước đó, nhà máy đã ký hợp đồng thu mua gỗ trong nhân dân tại các huyện: Bảo Thắng, Văn Bàn và thành phố Lào Cai. Riêng nguồn nguyên liệu gỗ keo, nhà máy hợp tác với Lâm trường Quang Bình (Hà Giang) để thu mua với giá trên 1 triệu đồng/m3.

Dự kiến khi đi vào hoạt động ổn định, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho 450 công nhân lao động là con em các dân tộc địa phương và hàng vạn hộ dân trồng rừng trên địa bàn và các vùng lân cận. Hiện tại lớp công nhân kỹ thuật đầu tiên gồm hơn 200 người được cử đi đào tạo ngoài tỉnh đã trở về nhà máy làm việc. Nhà máy cũng quan tâm mở rộng vùng nguyên liệu bằng việc hỗ trợ nông dân cây giống và phân bón mỗi hécta 2.000 cây giống và mỗi cây giống được hỗ trợ 4 lạng phân NPK./.

Lục Văn Toán (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục