Giảm nghèo cho 62 huyện nghèo là chủ trương lớn

Sau 1 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 62 huyện nghèo đã giảm bình quân khoảng 4%/năm.
Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của người dân ở các huyện nghèo nhất của cả nước, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa các vùng, miền, tiếp tục thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên về những kết quả nổi bật sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a.

Xin Bộ trưởng cho biết những điểm chính trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương trong triển khai thực hiện Nghị quyết 30a?


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành ưu tiên bố trí kinh phí từ các chương trình, dự án, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA và tạm ứng vốn năm 2010 cho các huyện nghèo với tổng số tiền khoảng 10.000 tỷ đồng.

Hàng tháng, tiến độ thực hiện Nghị quyết 30a đều được báo cáo trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ.

Để cụ thể hóa Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 62 huyện nghèo và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 62 huyện nghèo; phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, các bộ ngành đã tập trung xây dựng và ban hành 13 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương thường xuyên phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết ở các huyện nghèo, vận động huy động thêm nguồn lực ở cộng đồng; chỉ đạo các tổ chức thành viên ở cơ sở tham gia xây dựng đề án giảm nghèo, phối hợp thực hiện các chính sách và giám sát quá trình thực hiện.

Với sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, đến 15/9/2009, tất cả 62 huyện nghèo đã xây dựng xong đề án được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Những kết quả quan trọng sau một năm thực hiện chương trình là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Bước đầu, các chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở; nâng mức khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng; hỗ trợ gạo cho hộ nghèo thôn, bản biên giới cùng với các chính sách khác đã được triển khai có kết quả.

Đến nay đã có 41 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhận giúp đỡ 62 huyện nghèo.

Đến hết tháng 11/2009 đã có 38/41 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho 62 huyện nghèo với tổng số tiền 2.103 tỷ đồng trong giai đoạn 2009-2020 (riêng 2009 là 697 tỷ đồng).

Với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp, Quỹ vì người nghèo các địa phương và đóng góp của họ hàng, dòng tộc hộ nghèo, đến hết năm 2009, cả nước cơ bản hoàn thành 77.311 căn nhà mới cho các hộ nghèo.

Các địa phương cũng đã triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất cho người dân nghèo tại các huyện nghèo trong việc khai hoang, phục hóa đất sản xuất; hỗ trợ giống, phân bón, mua trâu bò chuyển đổi cơ cấu cây trồng; cho hơn 62.000 hộ vay không lãi suất để mua trâu bò, xây dựng chuồng, trại, mua giống cây trồng; đẩy mạnh thực hiện chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí qua các chương trình xây dựng, mở rộng trường dân tộc nội trú, trung tâm dạy nghề; tăng cường giáo viên cho các địa bàn các xã thuộc huyện nghèo.

Với hiệu quả từ nguồn lực đầu tư của các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo hiện hành, kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 30a, tỷ lệ hộ nghèo trung bình của 62 huyện nghèo đã giảm bình quân khoảng 4%/năm, từ 47% (năm 2008) xuống còn khoảng 43% (năm 2009).

Bộ trưởng có thể cho biết những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chỉ đạo thực hiện trong năm 2010?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Năm 2010, cả nước phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 30a đã đề ra gắn với thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí đã đề ra theo Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010, các tỉnh chỉ đạo tổ chức rà soát lại nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn cấp huyện để bố trí đầu tư, hỗ trợ phù hợp, tránh chồng chéo, kém hiệu quả; tiến hành giao kế hoạch và kinh phí thực hiện cho các huyện ngay những ngày đầu năm 2010.

Các chính sách mới được ban hành theo Nghị quyết 30a cần được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, giáo dục, đào tạo nâng cao dân trí và chất lượng nguồn lao động, các địa phương cần xác định các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được trong tổ chức thực hiện.

Các địa phương củng cố, kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành chương trình ở các cấp, có cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trên cơ sở phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo, bao cấp, làm thay như thời gian qua; tăng cường phân cấp cho huyện, xã trong tổ chức thực hiện chương trình gắn với bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện để có uốn nắn, chỉ đạo kịp thời, hạn chế tối đa những sai phạm và lệch lạc trong tổ chức thực hiện.

Các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng trình ban hành cơ chế quản lý, điều hành chương trình để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối quý I/2010; nghiên cứu xây dựng tiêu chí phân bổ vốn cho các huyện nghèo; hướng dẫn thống nhất quy trình và các bước triển khai thực hiện chương trình; xây dựng, ban hành các chỉ tiêu giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 30a.

Các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, ban hành văn bản còn thiếu, rà soát lại các văn bản đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện căn cứ đề án giảm nghèo được phê duyệt, xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân ở từng thôn, bản, xã và căn cứ vào nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn để quyết định bố trí đầu tư cụ thể, bảo đảm đầu tư đồng bộ và hiệu quả.

Công tác tuyên truyền về Nghị quyết 30a cần được tiếp tục đẩy mạnh để người dân ở những huyện nghèo hiểu rõ về Nghị quyết 30a./.

PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục