Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương "trượt dốc"

Chứng khoán châu Á "tuột dốc" trong bối cảnh giới kinh doanh tìm kiếm tài sản khác có độ an toàn cao hơn như vàng hay đồng yen Nhật.
Chứng khoán châu Á "tuột dốc" trong phiên giao dịch 19/4 trong bối cảnh giới kinh doanh tìm kiếm các tài sản khác có độ an toàn cao hơn như vàng hay đồng yen Nhật, sau khi hãng xếp hạng tín dụng S&P lần đầu tiên lên tiếng cảnh báo về tình trạng nợ công của Mỹ.

Ngày 18/4, S&P đã lên tiếng thách thức hạng sao chuẩn AAA của Washington bằng việc hạ triển vọng nợ công của nước này từ "tích cực" xuống "tiêu cực."

Động thái này đồng thời cảnh báo rằng các chính trị gia Mỹ xem ra khó có thể thông qua kế hoạch giảm khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của họ.

Cảnh báo của S&P ngay lập tức làm chứng khoán Mỹ "chao đảo" và chứng khoán châu Âu đồng loạt mất điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tại Phố Wall kết thúc phiên 18/4 đã giảm 140 điểm (1,14%) xuống 12.201,52 điểm và "sắc đỏ" này lan tỏa khắp châu Á phiên 19/4.

Phiên này, chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương nhanh chóng tuột khỏi mức cao nhất trong ba năm qua ghi trong tuần trước do hoạt động bán ra chốt lời.

Cùng với quan ngại về tình hình nợ công của Mỹ, giới đầu tư tỏ ra lo lắng về những rủi ro khi Hy Lạp tiến hành "tái cấu trúc" nền kinh tế nhằm vượt qua khủng hoảng nợ.

Kết thúc phiên 19/4 tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 115,62 điểm xuống 9.441,03 điểm. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 15,04 điểm xuống 2.122,68 điểm và chỉ ASX tại Sydney đánh mất 68,6 điểm còn 4.793,3 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc cũng không tránh khỏi tầm ảnh hưởng từ Phố Wall. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong kết thúc phiên 19/4 ở mức 23.520,62 điểm, giảm tới 309,69 điểm so với phiên đầu tuần. Còn ở Thượng Hải, chỉ số Composite (bao gồm cả cổ phiếu loại A và B) giảm 58,29 điểm còn 2.999,04 điểm./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục