Nỗi lo từ khủng hoảng

Hiểm họa mới từ khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp

Ngân sách nhà nước bị thu hẹp, các chương trình chăm sóc y tế mất dần, người dân Hy Lạp có nguy cơ bị lây nhiễm HIV cao hơn.
Những người dân Hy Lạp gặp khó khăn về kinh tế đang mất dần sự chăm sóc y tế do ngân sách nhà nước thu hẹp, khiến họ có nguy cơ cao hơn bị lây nhiễm virus HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và một số trường hợp có thể tử vong.

Đây là nhận định trong báo cáo mang tên "Điềm báo thảm họa ở Hy Lạp" của các nhà nghiên cứu trường đại học Cambrige, Anh công bố trên tạp chí y học The Lancet của nước này ra ngày 10/10.

Các nhà nghiên cứu dẫn số liệu thống kê của Chính phủ Hy Lạp, Liên minh châu Âu (EU) và các nguồn khác cho thấy, số người tự tử trong năm 2010 ở Hy Lạp tăng 25% so với năm trước.

Tỷ lệ này lên đến 40% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ này năm 2010. Số trường hợp lây nhiễm HIV tính đến cuối năm 2010 tăng mạnh, trong khi số trường hợp lây nhiễm mới được dự báo sẽ tăng 52% trong năm nay, so với năm 2010. Một nửa số trường hợp lây nhiễm mới có nguyên nhân do tiêm chích ma túy.

Trong bảy tháng đầu năm nay, số trường hợp mới lây nhiễm HIV ở những người nghiện ma túy tăng gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ này năm ngoái, chủ yếu do sinh hoạt tình dục không an toàn.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu cho biết, số trường hợp phạm tội giết người và trộm cắp tăng gần gấp đôi trong thời gian từ năm 2007-2009, trong khi số người được hưởng phúc lợi y tế giảm khoảng 40% trong cùng thời kỳ này, có thể do các quyết định cắt giảm ngân sách. Số trường hợp sử dụng heroin cũng gia tăng.

Theo các nhà nghiên cứu, những vấn đề nảy sinh ở Hy Lạp liên quan trực tiếp đến tình trạng khủng hoảng tài chính. Chẳng hạn, người nghiện ma túy thường không có việc làm nên hoạt động mại dâm để lấy tiền mua ma túy.

Trong vài năm qua, Hy Lạp phải vật lộn để vượt qua thời kỳ suy thoái đang đẩy nước này tiến gần hơn đến nguy cơ vỡ nợ.

Athens đã thực hiện nhiều biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để nhận được cứu trợ từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng các biện pháp này bị dân chúng phản đối, dẫn đến bãi công và biểu tình triền miên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục