Hy Lạp đang đối mặt với một tuần đầy thử thách

Hy Lạp đang đối mặt với một tuần đầy thử thách khi các chuyên gia EU và IMF nối lại kế hoạch kiểm toán tài chính đối với Athens.
Hy Lạp và Khu vực đồng euro (Eurozone) đang đối mặt với một tuần đầy thử thách khi các chuyên gia Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bắt đầu nối lại kế hoạch kiểm toán tài chính đối với Athens để khẳng định liệu quốc gia đang chìm trong nợ nần này có thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công hay không, trong khi Quốc hội Đức cuối tuần này sẽ bỏ phiếu đối với các quyết định có ý nghĩa rất quan trọng đối với nỗ lực của Eurozone ngăn chặn "bệnh" nợ công lây lan thành đại dịch trong khu vực.

Bắt đầu từ ngày 26/9, đoàn kiểm toán của EU và IMF sẽ đánh giá tiến độ cải cách ở Hy Lạp trước khi quyết định có giải ngân khoản cứu trợ trị giá 8 tỷ USD trong gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp hay không. Đây là số tiền Athens cần phải có để trả lương và thanh toán một số khoản nợ đáo hạn vào tháng 10 tới.

Cuối tuần trước, IMF cho biết sẽ hành động kiên quyết nhằm khôi phục lòng tin, ổn định thị trường tài chính thế giới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Vào ngày 29/9 tới, Quốc hội Đức sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với các quyết định của Khu vực đồng euro nhằm mở rộng quyền hạn của quỹ cứu trợ ngắn hạn mang tên Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) và quyết định thành lập quỹ cứu trợ dài hạn mang tên Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), công cụ thay thế EFSF hết hiệu lực vào năm 2013.

Nhận định về kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Đức, Thủ tướng nước này Angela Merkel ngày 25/6 cho biết bà sẽ không cần dựa vào phe đối lập, mà sẽ sử dụng liên minh cầm quyền chiếm đa số trong Quốc hội, để kế hoạch này được thông qua.

Sự chấp thuận của cơ quan lập pháp các nước thành viên Khu vực đồng euro, trong đó có Đức - nước đóng góp phần lớn nhất cho các quỹ cứu trợ khu vực, đối với các quyết định trên của Khu vực đồng euro sẽ mở đường để EU triển khai gói cứu trợ thứ hai trị giá 159 tỷ euro dành cho Hy Lạp. Tuy nhiên, giới chức một số nước Khu vực đồng euro vẫn tỏ ra e ngại về kế hoạch cứu trợ Hy Lạp.

Theo bà Merkel, việc để Hy Lạp vỡ nợ lúc này sẽ hủy hoại lòng tin của giới đầu tư và gây ra tình trạng truyền nhiễm vỡ nợ, như đã từng xảy ra sau vụ ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ phá sản năm 2008. Bà cũng cho biết sẽ dựa vào đánh giá của IMF để đưa ra đề xuất về cách thức giải quyết vấn đề Hy Lạp.

Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp Jean Leonetti cho rằng Hy Lạp sẽ thoát được thảm họa vỡ nợ vì kịch bản này không chỉ có lợi đối với Nhà nước và người dân Hy Lạp, mà cả Khu vực đồng euro. Ông đồng thời nhấn mạnh cái giá phải trả cho việc để Hy Lạp vỡ nợ sẽ cao hơn nhiều so với việc bỏ tiền ra cứu trợ Athens.

Thủ tướng Slovakia Iveta Radicova chính thức ủng hộ các đề xuất về tăng cường các cơ chế cứu trợ, nhưng đảng Tự do và Đoàn kết (SaS) chiếm ưu thế trong Quốc hội Slovakia yêu cầu xem xét lại các đề xuất này trước khi thông qua.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Romania Monica Macoveii yêu cầu gắn chống tham nhũng và gian lận với bất kỳ gói cứu trợ nào dành cho các nước có nguy cơ vỡ nợ công.

Trong khi đó, tại Hy Lạp, người dân vẫn tiếp tục biểu tình phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ. Cảnh sát buộc phải dùng hơi cay để giải tán những người biểu tình đang phong tỏa một tuyến đường chính ở thủ đô Athens.

Một số phần tử quá khích tham gia đoàn biểu tình gồm 2.000 người ở quảng trường Syntagma gần đó đã ném chai lọ vào cảnh sát, trong khi một nhóm sinh viên tìm cách chiếm trụ sở kênh truyền hình NET nhằm phát đi thông điệp phản đối kế hoạch cải cách đối với các trường đại học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục