FED: Gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ tăng cao

Thống kê mới nhất của FED cho biết, trong vòng một thập niên qua gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ đã tăng gấp hơn ba lần.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết, trong vòng một thập niên qua gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ đã tăng gấp hơn ba lần.

Khoản nợ khổng lồ của sinh viên giờ đây đã trở thành một “quả bom nổ chậm” đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới, và nguy hiểm không kém khoản vay thế chấp dưới chuẩn từng đẩy nước Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng 2007-2009.

Báo cáo cuối tuần qua của Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực New York cho biết đến hết quý 1/2012 tổng khoản nợ của sinh viên Mỹ đã lên mức 904 tỷ USD, tăng 275% so với khoản nợ 241 tỷ USD ở thời điểm năm 2003.

Khoản nợ của sinh viên vẫn tiếp tục đà gia tăng, bất chấp sự yếu kém của nền kinh tế cũng như việc người tiêu dùng Mỹ hạn chế chi tiêu và giảm vay tiền.

Khoản nợ của sinh viên giờ đây là lớn thứ hai trong danh mục các khoản nợ của Mỹ, chỉ xếp sau khoản nợ thế chấp. Trung bình mỗi sinh viên Mỹ vay nợ khoảng 12.800 USD, trong đó khoảng 25% nợ hơn 28.000 USD; 10% nợ hơn 54.000 USD và 3,1% nợ hơn 100.000 USD.

Học phí của các trường đại học tăng mạnh trong thập niên qua và số lượng học sinh vào đại học đông hơn là hai nguyên nhân làm cho gánh nặng nợ nần của sinh viên Mỹ tăng mạnh.

Đầu năm 2012, Hiệp hội toàn quốc các luật sư chuyên trách về phá sản và vỡ nợ của người tiêu dùng (NACBA) cho biết, trong vài năm qua số lượng sinh viên Mỹ nộp đơn xin bảo lãnh vỡ nợ đã và đang gia tăng với tốc độ đáng báo động, không ít sinh viên ra trường đến tuổi 60 vẫn chưa trả hết nợ.

Lượng tiền cho sinh viên vay trong năm 2010 lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 tỷ USD. Thế hệ sinh viên Mỹ ra trường năm 2010 có mức nợ cao nhất, trung bình 25.250 USD/người./.

Thái Hùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục