Gặp lại "cha đẻ" của dòng tranh ghép hoa lá khô

Chuẩn bị cho Đại lễ Hà Nội 1.000 năm, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đang ấp ủ dự định triển lãm hàng loạt tác phẩm tranh ghép lá và hoa khô.
Hơn 5 năm mới gặp lại, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đã thay đổi nhiều, duy chỉ có niềm đam mê với nghệ thuật tranh ghép lá và làm hoa khô không hề thay đổi. Ông vẫn nhiệt huyết, say sưa kể không dứt về cách thức giữ màu cho hoa lá, về nét đặc sắc tranh lá khô, về những ý tưởng sáng tạo.

Chuẩn bị cho Đại lễ Hà Nội 1.000 năm tuổi, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đang ấp ủ dự định triển lãm hàng loạt tác phẩm tranh ghép lá và hoa khô thật độc đáo, cũng là bày tỏ tình yêu với mảnh đất nghìn năm văn hiến này.

Theo dòng hồi tưởng, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu hào hứng kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đến với dòng tranh ghép hoa lá, một niềm đam mê theo đuổi ông từ khi còn là cậu sinh viên Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Tới cuối những năm 90 của thế kỷ trước, dòng tranh lá khô của ông xuất hiện tạo ra một nghệ thuật tranh mới, giản dị nhưng vô cùng đặc sắc, tinh tế, cuốn hút không ít người yêu tranh.

Chính bởi thế, người ta gọi ông là "cha đẻ" của dòng tranh hoa lá khô Việt Nam và ông cũng là một trong 14 nghệ nhân Hà Nội đang được đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú. Ông cho biết: “Tranh ghép hoa lá khô có một giá trị đẹp bởi được làm nên từ chất liệu thiên nhiên, bắt ánh sáng do vậy nhìn vào tranh lá có sự êm dịu, gần gũi”.

Từ một kỹ sư nông nghiệp, rồi rẽ sang con đường nghệ thuật, đối với nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đó không phải là sự trái ngược mà được lý giải khi người ta đạt đến một trình độ nhất định thì mọi nghệ thuật được hòa quyện với nhau. Dù chưa một ngày học qua trường lớp hội họa nhưng các bức tranh hoa lá khô đều có cái “thần” rất riêng, chuyển tải được sức sống của thiên nhiên, con người và cuộc sống. Đó cũng là sự kết tinh từ tình yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật được hun đúc từ nhỏ trong con người nghệ nhân.

Qua hàng chục năm gắn bó với dòng tranh đặc biệt này, trình độ sáng tạo tranh ghép hoa lá khô của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đạt đến trình độ hoàn hảo và không có đề tài nào ông phải bó tay. Ví như tranh sáng tạo chân dung, làm thế nào để chuyển tải được tâm hồn nhân vật, những suy tư hay niềm vui ánh trên khuôn mặt họ để thật chuẩn với khuôn mẫu thì người làm tranh phải xử lý thật nhuần nhuyễn trong từng nét cắt dán, pha trộn màu và đó là một công việc đầy gian nan.

Đặc biệt là các bức tranh nổi tiếng thế giới như: "Mùa thu vàng" của Lévitan, của Ostrukhok hay "Mùa xuân và con nước" cũng của Lévitan... ông đều sáng tác giống tựa nguyên bản, khiến người xem đều thán phục. Các bức tranh ông sáng tạo về đề tài truyền thống như "Làng Mông Phụ", "Tĩnh Vật", "Cô gái và lồng chim", "Chơi ô ăn quan", "tranh Đông Hồ", "phố cổ Hà Nội", "hồ Hoàn Kiếm"... là những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, người xem cảm nhận được cả bề rộng, chiều sâu và cái hồn của bức tranh.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu giảng giải: “Muốn làm một bức tranh phải hiểu bức tranh đó nói gì, hồn ở đâu và có khi phải ngồi trước nó một hai tiếng đồng hồ để tìm ra điều đó. Ngoài việc làm giống nguyên mẫu, tranh lá phải có lối đi riêng, là sự độc lập với các dòng tranh khác, có nghĩa là sự sáng tạo lần hai”.

Nghệ nhân cũng cho biết, khi dán lá, không đơn thuần là sự chắp vá thô sơ của những góc lá rách mà phải có sự phối màu chặt chẽ tạo sự mềm mại, sâu lắng cho từng bức tranh. Một bức tranh vẽ màu thì đơn giản nhưng khi xé lá nọ đè lá kia tạo thành màu trung gian và chi tiết từng tranh thì phải nhuần nhuyễn về kỹ thuật và phải hiểu cái thần của lá.

Bởi vậy, từ những vết tróc lở của mảng tường, những mảng rêu phủ trong bức tranh "Làng Mông Phụ", hay hình mây in bóng nước trong bức tranh Mùa thu vàng, những gợn sóng lăn tăn của mặt hồ Gươm đều được ông chuyển tải thành công.

Dẫn khách thăm phòng trưng bày tranh lá và các loại hoa khô tại gia, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu phấn khởi chỉ cho chúng tôi xem những tác phẩm chuẩn bị cho dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Lần này, nghệ nhân sẽ giới thiệu đến công chúng Hà Nội những sản phẩm mới lần đầu tiên xuất hiện như hoa rừng Tây Nguyên, hoa sen, hướng dương, hoa làm từ hoa vừng...

Ông cho biết từ nay tới ngày Đại lễ, ông tiếp tục sáng tác để trong dịp triển lãm ông sẽ có một khối lượng phong phú các tác phẩm về hoa lá khô, giới thiệu những tinh hoa văn hóa của nghề thủ công độc đáo ở Hà Nội.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu khẳng định tuổi thọ mỗi bức tranh hoa lá khô của ông là sự vĩnh cửu nhờ kỹ thuật giữ màu ông tự nghiên cứu. “Bộ từ điển sống” về hoa lá, các sắc tố của chúng và kiến thức khoa học về quy trình tách chất đường, bột, mỡ ra khỏi lá, cách nhuộm màu để giữ độ bền đã tạo cho những bức tranh hay lọ hoa ông làm ra đều có sự tự nhiên nhưng không kém phần trang trọng.

Hiện nay, nghệ nhân không đi theo hướng kinh doanh do điều kiện sức khỏe mà ông chuyển hướng sang truyền nghề cho thế hệ trẻ. Rất nhiều người trưởng thành từ “lò” dạy làm hoa khô, tranh lá của ông; đặc biệt ông còn tích cực dạy nghề cho đối tượng người tàn tật, câm điếc để giúp họ có cuộc sống tốt hơn./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục