Tòa án Ai Cập bác đơn kháng cáo về bầu cử quốc hội

Tòa án Hành chính Tối cao Ai Cập đã bác đơn kháng cáo của chính phủ nước này với quyết định hủy cuộc bầu cử quốc hội sắp tới.
Sau ba lần trì hoãn, Tòa án Hành chính Tối cao Ai Cập (SAC) ngày 21/4 đã bác đơn kháng cáo của chính phủ nước này đối với quyết định của tòa hủy cuộc bầu cử quốc hội sắp tới.

Đầu tháng Ba vừa qua, Tòa án Hành chính Cairo đã ra phán quyết hủy cuộc bầu cử dự kiến bắt đầu vào ngày 22/4, đồng thời chuyển luật bầu cử mới lên Tòa án Hiến pháp Tối cao (HCC) xem xét lại với lý do Thượng viện do phe Hồi giáo chi phối đã không tuân theo các trình tự hiến pháp.

Trước đó, ngày 18/2, HCC đã bác bỏ dự luật bầu cử quốc hội do Thượng viện đệ trình vì cho rằng một số điều khoản vi hiến. Ba ngày sau đó, Thượng viện đã sửa đổi các điều khoản theo yêu cầu của HCC và thông qua mà không gửi lại cho tòa án này xem xét lại theo hiến định.

Cũng trong ngày 21/4, Bộ trưởng Tư pháp Ai Cập Ahmed Mekki đã chính thức đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Hesham Qandi. Động thái này diễn ra sau phe Hồi giáo tổ chức biểu tình rầm rộ trước trụ sở Tòa án Tối cao đòi "làm trong sạch các cơ quan tư pháp" đồng thời báo chí tiết lộ ông Mếchki sẽ bị thay thế trong cuộc cải tổ nội các sắp tới.

Trước đó, hôm 20/4, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi tuyên bố sẽ sớm ra lệnh cải tổ nội các, sau nhiều tháng chịu áp lực từ các phe nhóm đối lập yêu cầu ông phải sắp xếp lại chính phủ để đổi lấy việc đồng ý tham gia cuộc bầu cử quốc hội.

Các nguồn tin từ Văn phòng tổng thống và nội bộ Đảng Tự do và Công lý (FJP) cầm quyền cũng cho biết ông Morsi đã thông báo kế hoạch cải tổ nội các và thay thế nhiều tỉnh trưởng mà không tham khảo ý kiến của các cố vấn. Theo đó, ông Morsi đã quyết định thay thế 6 tỉnh trưởng và bổ nhiệm 3 thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo trong nội các mới.

Trong khi đó, Hội đồng Shoura (Thượng viện Ai Cập), do phe Hồi giáo chiếm đa số, đang thúc đẩy một điều luật mới nhằm kiểm soát các cơ quan tư pháp, trong đó có việc rút tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán từ 70 tuổi xuống còn 60 tuổi.

Trước đó, các nghị sỹ thuộc FJP và đảng Wasat, lực lượng lớn thứ ba trong Thượng viện, liên tục công kích, cáo buộc các thẩm phán tham nhũng và dẫn đầu làn sóng chống Tổng thống Morsi. Sự chỉ trích của phe Hồi giáo nhằm vào các thẩm phán ngày càng tăng, nhất là sau khi tòa án ra các phán quyết tạm thời phóng thích cựu Tổng thống Hosni Mubarak liên quan các cáo buộc sát hại người biểu tình và làm giàu bất chính.

Trong một diễn biến khác, cơ quan công tố Ai Cập ngày 21/4 đã quyết định truy tố ông Ahmed Gadhaf al-Dam, trợ lý thân cận và là anh họ của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

Ông al-Dam sẽ bị đưa ra xét xử tại một tòa án hình sự với các cáo buộc chống lại và âm mưu sát hại cảnh sát, sở hữu vũ khí và các thiết bị không dây trái phép. Hồi đầu tháng này, Tòa án Hành chính Ai Cập đã ra phán quyết không dẫn độ ông al-Dam về Libya để xét xử về các tội ác dưới thời Gaddafi. Ông al-Dam, đang tị nạn chính trị ở Ai Cập, từng là nhân vật giữ vai trò then chốt trong quan hệ giữa Ai Cập và Libya.

Libya đã đề nghị Ai Cập bắt giữ và dẫn độ khoảng 100 cựu quan chức chính quyền Gaddafi. Tuy nhiên, đến nay Ai cập mới chỉ bàn giao hai người cho nhà chức trách nước láng giềng này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục