"Thời kỳ khó khăn khủng hoảng nợ châu Âu kết thúc"

Chủ tịch ECB Mario Draghi ngày 22/3 tuyên bố giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng euro đã kết thúc.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi ngày 22/3 tuyên bố giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng euro (Eurozone) đã kết thúc và tình hình đang ổn định trở lại.

Theo các phương tiện thông tin đại chúng châu Âu, ông Mario Draghi đã đưa ra nhận định trên trong bài trả lời phỏng vấn với nhật báo "The Bild" của Đức. Ông Draghi cho rằng lòng tin giới đầu tư đang dần phục hồi và ECB cũng đã dừng Chương trình thị trường chứng khoán, cho phép ECB mua trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp trong nhiều tuần liên tục.

Cùng với tín hiệu tích cực này, một số dữ liệu kinh tế khác như lạm phát, thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai của châu Âu cũng khả quan hơn so với Mỹ, nền kinh tế số một thế giới. Tuy nhiên, ông Draghi cũng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều rủi ro phía trước và các chính phủ châu Âu về lâu dài cần phải tạo bức tường ngăn khủng hoảng.

Ông Draghi nhận định việc ECB cho các ngân hàng trong khu vực vay không điều kiện hơn 1.000 tỷ euro (1,32 nghìn tỷ USD) thông qua hai chương trình tái cấp vốn (LTRO) kéo dài ít nhất 3 năm là yếu tố tích cực đã giúp châu Âu ngăn chặn được cuộc khủng hoảng tín dụng lớn.

Mặc dù vậy, thông tin nền kinh tế Ireland, một thành viên trong Eurozone một lần nữa rơi vào suy thoái đã gây không ít lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu khi sự phục hồi của khu vực vẫn hết sức mong manh.

Theo các nhà phân tích, việc Ailen rơi vào suy thoái kỹ thuật (GDP giảm trong hai quý liên tiếp) cho thấy những hạn chế của việc quá phụ thuộc vào xuất khẩu mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhân tố tích cực này có thể lại trở thành nguyên nhân chính phá hoại tăng trưởng khi hoạt động kinh tế tại các nước khác trong khu vực phát triển chậm lại.

Trong khi xuất khẩu không đủ mạnh để duy trì được tốc độ tăng trưởng, mọi nhu cầu trong nước đều sụt giảm, một phần do các chính sách "thắt lưng buộc bụng" và cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

Theo số liệu chính thức từ Văn phòng Thống kê trung ương (CSO), sau khi giảm 1,1% trong quý III/2011, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ireland tiếp tục giảm 0,2% trong quý cuối của năm ngoái, đẩy nước này trượt trở lại suy thoái kỹ thuật. Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Ailen cũng giảm 1,9% trong quý III/2011 và tiếp tục giảm 2,2% trong quý sau đó.

Các số liệu thống kê của CSO cho biết nhờ gói cứu trợ chung trị giá 85 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm ngoái, Ireland đã đạt mức tăng trưởng kinh tế hàng năm là 0,7% GDP sau 3 năm (2008-2010) giảm liên tục. Tuy nhiên, tăng trưởng GNP lại giảm tới 2,5% trong năm 2011.

Cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone trở nên trầm trọng trong 6 tháng cuối năm 2011 cũng đã tác động mạnh đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến mọi dự báo về bức tranh kinh tế năm 2012 đều bị điều chỉnh giảm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục