Hải Phòng chuyển đổi công ty TNHH một thành viên

Hải Phòng đã công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo của 16 doanh nghiệp nhà nước được chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên.
Ngày 8/7, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo của 16 doanh nghiệp nhà nước của địa phương được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

Trong đó ngành xây dựng có bảy, ngành giao thông vận tải có bốn và ngành công thương có ba doanh nghiệp, số doanh nghiệp còn lại của ngành nông nghiệp.

Đây là các doanh nghiệp nhà nước cuối cùng chưa thực hiện cổ phần hóa được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, kể từ 1/7/2010 theo Nghị định số 25 của Chính phủ.

Đến hết tháng 6, Hải Phòng đã khẩn trương hoàn tất các công việc cần thiết phục vụ công tác chuyển đổi và phê duyệt quyết định chuyển các doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình tổ chức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Các doanh nghiệp nhà nước được chuyển đổi mô hình tổ chức lần này đều có chung đặc điểm là sản xuất, kinh doanh phục vụ đạt hiệu quả, không bị thua lỗ nặng, tình hình tài chính khá lành mạnh.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn hai doanh nghiệp nhà nước do làm ăn thua lỗ kéo dài nên chưa thể chuyển đổi sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đó là Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng và Công ty xuất, nhập khẩu Hải Phòng.

Hai doanh nghiệp này hoạt động kinh doanh kém hiệu quả khiến thua lỗ kéo dài, hiện không những "ăn" hết vốn của nhà nước mà còn nợ vốn từ 16 đến 26,3 tỷ đồng. Thành phố đang nghiên cứu để xử lý phù hợp với tình hình thực tế của hai doanh nghiệp trên.

Nhìn tổng thể, việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của các doanh nghiệp nhà nước cơ bản là thuận lợi, nhưng vẫn còn nhiều điều cần tiếp tục được hoàn thiên.

Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với việc chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước được coi cũng chỉ là "bước đệm" trước khi cổ phần hóa, Nhà nước cần tăng cường thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động, đồng thời chuẩn bị các bước tiếp theo, như đánh giá, xác định giá trị tài sản, xây dựng phương án bán cổ phần, nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh... nhằm thay đổi cơ bản quyền sở hữu các doanh nghiệp nhà nước./.

PV (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục