Làm sao hút người dùng?

Thẻ thanh toán quốc tế: Làm sao hút người dùng?

Ngân hàng tăng phát hành thẻ thanh toán quốc tế để thêm nguồn thu và thuận lợi cho cá nhân ra nước ngoài khi nguồn cung USD không đủ.
Lâu nay, mỗi khi có nhu cầu mua ngoại tệ để đi học tập, công tác, du lịch chữa bệnh ở nước ngoài… một bộ phận dân cư vẫn thường tìm đến các điểm thu đổi ngoại tệ hoặc các cửa hiệu vàng để mua.

Từ khi thị trường ngoại tệ tự do bị hạn chế, thậm chí "đóng cửa" giao dịch trong những ngày gần đây đã khiến nhiều người lo lắng. Đúng lúc này, ngân hàng đã lên tiếng khuyến khích người dân khi ra nước ngoài nên sử dụng thẻ thanh toán quốc tế.

Ngân hàng đẩy mạnh phát hành thẻ

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm nay chắc chắn sẽ giảm mạnh vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhiều ngân hàng đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ, trong đó có dịch vụ thẻ. Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường hoạt động mở thẻ thanh toán quốc tế để tạo điều kiện cho các cá nhân khi có nhu cầu chi tiêu ở nước ngoài.

Nắm bắt được xu thế này, nhiều ngân hàng thương mại đang tích cực tung ra nhiều chương trình khuyến khích khách hàng thanh toán bằng thẻ. Đây được coi như một giải pháp tối ưu cho người dân có nhu cầu ngoại tệ để đi công tác, học tập, làm việc, khám chữa bệnh…ở nước ngoài.

Bà Dương Mai Hoa, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng Quốc tế (VIB , cho biết ngân hàng này đang đẩy mạnh chương trình khuyến khích khách hàng cá nhân sử dụng thẻ thanh toán quốc tế VIB MasterCard khi ra nước ngoài.

Theo bà Hoa, thủ tục làm thẻ thanh toán quốc tế khá đơn giản và nhanh chóng. Với thẻ trả trước quốc tế MasterCard của VIB, khách hàng chỉ cần chứng minh thư, sau vài phút đăng ký là có thẻ. Khách hàng phải chủ động nộp tiền (VND) vào tài khoản trước khi sử dụng.

Còn với thẻ tín dụng quốc tế, khách hàng cần thêm thủ tục chứng minh tài sản thế chấp, thu nhập... theo các hình thức bảo đảm tài sản hoặc tín chấp để xây dựng các hạn mức. Thời gian để hoàn thành các thủ tục này là 3 ngày. Mức phí  thường từ 2%-4% số tiền chi tiêu.

Mức phí này, theo bà Hoa, vẫn “dễ chịu” hơn việc phải mua ngoại tệ trên thị trường tự do với mức chênh lệch có thời điểm lên tới gần 10% so với tỷ giá niêm yết của ngân hàng.

Theo lãnh đạo một số ngân hàng thương mại thì việc phát triển dịch vụ thẻ được các ngân hàng đẩy mạnh để gia tăng lợi nhuận trong điều kiện phải siết tín dụng phi sản xuất.

Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smartlink nhận định, thị trường thẻ ngân hàng 2011 hứa hẹn sẽ sôi động khi một số ngân hàng nước ngoài cũng tham gia phát hành thẻ. Hơn nữa, thanh toán bằng thẻ quốc tế là xu hướng của người tiêu dùng thông minh.

Số liệu mới nhất của Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm này đã có 1,6 triệu thẻ quốc tế (trong đó có 340.000 thẻ tín dụng quốc tế) được phát hành trên tổng số 29 triệu thẻ các loại.

Báo cáo “Dự báo thị trường thẻ thanh toán ở Việt Nam tới năm 2013” của Công ty Nghiên cứu thị trường Research and Markets (Mỹ) mới đây nhận định từ năm 2008-2010, tổng số thẻ thanh toán được phát hành tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi. Không chỉ thẻ thanh toán mà thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng… cũng phát triển nhanh trong vài năm gần đây.

Đơn vị nghiên cứu này cho rằng, từ nay đến năm 2014, thị trường thẻ ở Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 18,5% và các công ty phát hành thẻ, nhà cung cấp, nhà sản xuất tại Việt Nam có cơ hội lớn trong việc chiếm lĩnh thị phần.

Tiện ích nhưng cũng khó cho người nghèo

Đồng tình với các chuyên gia ngân hàng, người sử dụng cũng không phủ nhận nhiều tiện ích của việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế.

Anh Nguyễn Sơn Nam công tác tại Vietnam Airlines thường xuyên phải đi công tác ở nước ngoài nên thẻ thanh toán quốc tế là rất tiện ích. Hiện anh đang dùng cả thẻ tín dụng (credit card) là thẻ trả tiền sau, không tính lãi trong vòng 45 ngày và thẻ ghi nợ (debit card), loại thẻ đã có sẵn tiền.

Hay như chị Huyền, một nhân viên công ty du lịch, việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế vừa tiện lợi cho nhu cầu của người mua sắm nhiều vì không gặp khó khăn với hạn mức tiền mặt tối đa là 7.000 USD mỗi người được mang ra nước ngoài, lại vừa an toàn hơn khi lỡ bị mất.

Tuy thế, không phải người dân nào cũng hào hứng với thẻ thanh toán quốc tế, bởi để mở được thẻ, người sử dụng phải chứng minh thu nhập và số tiền chi tiêu có hạn mức.

Không phải người nào cũng đáp ứng đủ điều kiện mở thẻ Visa, Master… Do đó, khi đi nước ngoài, người không đủ điều kiện phải thế chấp bằng VND để được ngân hàng cấp thẻ tín dụng.

Bên cạnh đó, mức phí cao cũng là một trở ngại đối với những người nghèo nhưng vì hoàn cảnh phải sang nước ngoài chữa bệnh chẳng hạn.

Hiện nay, khi dùng thẻ Visa, Master… để rút tiền mặt ở nước ngoài, chủ thẻ thường phải chịu hai loại phí và lãi suất. Trường hợp chủ thẻ thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ thì phí chuyển đổi ngoại tệ là 3% - 4,5%. Bên cạnh đó, lãi suất nợ quá hạn đối với thẻ tín dụng thường rất cao (từ 15% - 25%/năm). Đó là chưa kể chủ thẻ còn phải đóng phí thường niên 200.000 đồng - 300.000 đồng, phí thay đổi mã số tài khoản…

Tính ra, mức chênh lệch 4,5% hoàn toàn không nhỏ. Nếu lấy tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 20.658 đồng/USD thì tính ra người sử dụng sẽ phải trả với tỷ giá khoảng 21.587 đồng/USD (chênh lệch 4,5% tiền phí).

Giải thích về mức phí được cho là cao so với thu nhập của nhiều người, chuyên viên tư vấn của VIB lập luận, “Với giao dịch rút tiền mặt khoảng 100 USD, chủ thẻ mất 2 - 4 USD phí rút tiền mặt, quy đổi ra VND ở khoảng 42.000 - 84.000 đồng, là một chi phí đáng kể, song nếu chúng ta chỉ dùng ở một vài trường hợp đặc biệt, thì việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế sẽ có nhiều ưu vượt trội so với cầm tiền mặt khi đi nước ngoài.

Còn chuyên viên của Ngân hàng Quân đội (MB) lại nhấn mạnh, việc ngân hàng đưa ra mức phí như vậy là do các ngân hàng tham gia phát hành thẻ tín dụng phải trả các khoản phí cho các tổ chức thẻ quốc tế và các chi phí cho công nghệ. Các chi phí này chiếm tỷ trọng hơn 30% tổng chi phí của sản phẩm.

Các chuyên gia ngân hàng cũng chấn an rằng khi tỷ lệ người sử dụng tăng lên thì mức phí sẽ rẻ đi./.


Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục