Sản xuất rải vụ 5 loại cây ăn trái chủ lực ở Nam bộ

Cục Trồng trọt thông qua lịch rải vụ thu hoạch 5 loại trái cây chủ lực cùa Nam Bộ gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn.
Ngày 27/6, tại Tiền Giang, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức hội thảo triển khai sản xuất cây ăn trái rải vụ vùng Nam Bộ.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 21 tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ đã dự.

Cục Trồng trọt đã thông qua dự kiến lịch rải vụ thu hoạch 5 loại trái cây chủ lực có khả năng cạnh tranh cùa vùng Nam Bộ gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn.

Theo đó, diện tích rải vụ đối với cây xoài là 11.120 ha/53.430 ha, ước sản lượng đạt 131.000 tấn, tập trung ở 5 tỉnh, thành phố là Đồng Tháp,Tiền Giang,Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ. Thời gian thu hoạch rải vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Diện tích rải vụ đối với cây nhãn là 14.000 ha/40.800 ha, ước sản lượng đạt 135.000 tấn, gồm các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ và Hậu Giang. Thời gian thu hoạch rải vụ từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

Diện tích rải vụ đối với cây chôm chôm là 3.200 ha/21.500 ha, sản lượng 60.000 tấn, gồm các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Vĩnh Long. Thời gian thu hoạch rải vụ từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Diện tích rải vụ đối với cây sầu riêng là 4.100 ha/14.800 ha, sản lượng đạt 67.000 tấn. Các tỉnh tham gia Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Thời gian thu hoạch rải vụ từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Diện tích rải vụ đối với cây thanh long là 11.000 ha/19.000 ha, gồm các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Thời gian thu hoạch rải vụ từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau .

Sản xuất trái cây rải vụ đã hình thành từ nhiều năm nay tại các tỉnh phía Nam, không còn mùa nào thức nấy mà nhiều loại trái cây có quanh năm, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu khá dồi dào. Nông dân trồng cây ăn trái trong vùng có kinh nghiệm và nhạy bén tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất nghịch vụ cây ăn trái.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng cần phải xác định rõ sản xuất rải vụ chỉ là một trong những giải pháp để giải quyết điệp khúc “được mùa rớt giá”, chứ không phải là tất cả. Bởi đầu ra của trái cây còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như yếu tố thị trường, chế biến trái cây, công tác xúc tiến thương mại …

Để sản xuất trái cây rải vụ ở Nam Bộ đạt hiệu quả cao, các tỉnh thống nhất triển khai các giải pháp như quy hoạch sản xuất cây ăn trái rải vụ gắn với vùng sản xuất cây ăn trái tập trung; phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị cây ăn trái rải vụ trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các cơ sở cung ứng vật tư nông nghiệp, tín dụng...với các nhà vườn trồng cây ăn trái.

Ông Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục trồng trọt, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tổ chức triển khai thực hiện lịch thời vụ chung của từng loại trái cây rải vụ về quy mô diện tích, sản lượng, thời gian, quy trình thực hiện sản xuất rải vụ; thu hái và tổ chức tiêu thụ sản phẩm đảm bảo giá cả hợp lý có lợi cho người sản xuất.

Các tỉnh nghiên cứu, kịp thời đề xuất điều chỉnh lịch thời vụ chung phù hợp từng giai đoạn, trên cơ sở trao đổi, thống nhất triển khai với từng địa phương về quy mô sản xuất, thời vụ thu hoạch cụ thể; tổ chức triển khai lịch thời vụ sản xuất trái cây trên địa bàn theo lịch thời vụ chung...

Nam Bộ bao gồm 21 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, hiện có diện tích cây ăn trái 415.800 ha, sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn, chiếm 53,2% về diện tích và 57% về sản lượng trái cây trong nước./.

Công Trí (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục