Đại tướng Giáp trong lòng những người bạn Hàn Quốc

Vietnam+ giới thiệu bài viết của GS,TS Lee Keun-yeop: "Huyền thoại Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng những người bạn Hàn Quốc."
Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc đã có buổi tiếp xúc với giáo sư, tiến sỹ Lee Keun-yeop, nguyên giảng viên Khoa triết học Đại học Yonsei, Hàn Quốc; Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam của Hàn Quốc, đồng thời là cây bút bình luận chính trị cho tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times - phiên bản tiếng Anh).

Giáo sư Lee cũng là người có tình cảm đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và có quan hệ tiếp xúc với cá nhân Đại tướng và gia đình; có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu và viết nhiều bài báo, công trình nghiên cứu, tổ chức hội thảo về Việt Nam nói chung và cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng.

Vietnam+ xin giới thiệu bài viết của ông về Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đã được đăng trên tờ Thời báo Hàn Quốc số ra ngày 5/2/2009) với tựa đề: "Huyền thoại Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng những người bạn Hàn Quốc."

Quảng trường Ba Đình của Việt Nam vẫn nguyên vẹn như khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập của cả dân tộc trước sự chứng kiến của nửa triệu người dân Việt Nam ngày 2/9/1945.

Chỉ có một khác biệt là sự có mặt của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đồ sộ đứng ở phía Tây của Quảng trường. Lòng tin và sự kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể nhìn thấy trên gương mặt của từng người khách tham quan đến từ mọi miền đất nước và từ nước ngoài, những người đã xếp hàng dài vài trăm mét để chờ đợi đến lượt mình bày tỏ lòng kính trọng đối với người mà họ yêu thương sâu sắc và gọi thân mật là Bác Hồ.

Ở phía Nam, dưới bóng cây râm mát là một ngôi nhà hai tầng khiêm tốn hướng mặt về phía lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ gần đó của Bảo tàng Quân đội. Đó là nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại của Việt Nam trong chiến đấu.

Tại đây, ông đi lại, gặp gỡ, đón tiếp khách đến thăm và đa số thời gian ông dành để viết. Những tác phẩm chính của ông là "Điện Biên Phủ" "Con đường tới Điện Biên Phủ." Vị Đại tướng trình bày các chiến lược của mình, chiến lược đó lại trở thành những mô tả tự sự và qua đó người đọc có thể thấy được các quan điểm nhân văn của ông về chiến tranh.

Tờ Thời báo Hàn Quốc (Korea Times - một trong 4 tờ báo lớn nhất Hàn Quốc) ngày 9/5/1954 đã viết trên trang nhất với những từ ngữ thẳng thừng "Điện Biên Phủ thất thủ" tiếp theo phóng sự "Hà Nội, ngày 7/5, hôm nay Điện Biên Phủ thất thủ, một sự sụp đổ hoàn toàn tại châu Á, đánh dấu một chương đẫm máu, thảm hại trong lịch sử của quân đội Pháp. Số phận của De Castries, chỉ huy quân đồn trú và những người lính còn chưa biết rõ…"

Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3-7/5/1954) là trận đánh giữa quân đội thực dân Pháp do Đại tá De Castries chỉ huy và lực lượng vũ trang của Việt Nam do Tướng Giáp chỉ huy xung quanh khu căn cứ được xây dựng kiên cố tại một thung lũng miền Tây Bắc Việt Nam. Đại tá De Castries được mô tả là "điển hình của sự can đảm." Tướng Võ Nguyên Giáp được một nhà báo Pháp mô tả là "một ngọn núi lửa phủ tuyết."

Vào buổi chiều ngày 7/5/1954, sau 55 ngày đêm chiến sự, người phát ngôn của ông Giáp qua Đài phát thanh Bắc Kinh đã tuyên bố về sự thất thủ của Điện Biên Phủ. Sự kiện này đã đánh dấu chấm hết cho 96 năm cai trị của thực dân Pháp.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1954 đã nói chiến thắng này chỉ là sự bắt đầu (gián tiếp tiên liệu về một cuộc chiến tranh mới chống Mỹ). Liên quan đến những lo ngại của Eisenhower và Churchill đối với chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta có thể dễ dàng hiểu quan điểm cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam là sự tiếp tục của cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Người thanh niên Võ Nguyên Giáp rời nhà tại thôn An Xá và vào học Trường trung học Quốc học Huế, thành phố cố đô tại miền Trung Việt Nam. Tại ngôi trường này, chúng ta có thể tìm thấy những cái tên Nguyễn Tất Thành (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn trẻ), Ngô Đình Diệm, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Ngoại trừ Ngô Đình Diệm, tạp chí Time gọi ba người còn lại là "tam giác sắt của chiến tranh Việt Nam."

Năm 1926, tại ngôi trường này, ông Giáp đã gia nhập Đảng Cách mạng của nước Việt Nam mới. Ông dẫn đầu sinh viên tham gia biểu tình chống Pháp. Ông đã nếm trải vị đắng đầu tiên khi bị giam giữ trong 6 tháng vì hoạt động này.

Sau khi tốt nghiệp một trường trung học khác và Đại học Đông Dương ở Hà Nội, với bằng cử nhân, ông trở thành thầy giáo tại trường Cao đẳng Thăng Long và dạy môn lịch sử. Các bài học lịch sử của ông đầy sự cảm hứng và khám phá.

Năm 1940, sau cuộc chia tay cảm động với người vợ mới cưới tại Hồ Tây, Hà Nội, ông đã cùng ông Phạm Văn Đồng vượt biên giới Việt Nam-Trung Quốc và tới Côn Minh gặp Hồ Chí Minh trở về từ Liên Xô. Sau đó ít lâu, vợ ông đã bị bắt và chết tại nhà tù ở Vinh 2 năm sau đó.

Ngày 22/12/1944, ông Giáp đã tổ chức đơn vị vũ trang đầu tiên của Việt Minh. Sau vô vàn thử thách, đội quân của ông lớn mạnh nhanh chóng và trở thành một trong những đội quân hùng mạnh trên thế giới.

Trong giai đoạn từ tháng 10-11/1947, trong chiến dịch biên giới Việt-Trung, các đơn vị của ông Giáp đã giáng nhiều đòng mạnh mẽ vào 12.000 quân Pháp và buộc họ phải đầu hàng.

Trong chiến dịch này, cha của ông Giáp, một giáo viên trường làng đã bị bắt và bị xử tử hình. Không ai nhìn thấy được nước mắt của ông trong 30 năm chiến tranh từ chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) đến chiến dịch Quảng Trị-Thừa Thiên Huế (1972), một chiến thắng khác có thể so sánh như thắng lợi Điện Biên Phủ 18 năm trước đó.

Giáo sư Đặng Bích Hà, vợ Tướng Giáp, luôn yêu thương và động viên ông trong những thời điểm khó khăn, như là một thành viên của Bộ Chỉ huy.

Bernard Fall viết: "… một thầy giáo sử học đa cảm của những năm 30, một lãnh tụ chiến tranh du kích tự học hỏi của đầu những năm 40, và một nhà chiến lược xuất sắc của những năm 50, phương Tây sẽ khó tìm ra một đối thủ xứng tầm với ông trong tương lai" (B. Fall, Vo Nguyen Giap, 1962).

Tôi cảm thấy rất hài lòng khi bản nghiên cứu có phần "đơn độc" của tôi so sánh tướng Helmut Bernhardt von Moltke và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được trích dẫn trong cuốn sách của Mark Henderson "100 nhà lãnh đạo quân sự tài giỏi nhất" (Time of London News International, 1997), trong đó tướng Moltke và tướng Giáp đứng ở vị trí thứ 39 và 40. Tôi cho rằng, ngoài việc xếp thứ hạng, sự kết hợp của hai người đàn ông này là một điều tuyệt vời.

Tướng Moltke đã viết nên một lịch sử hư cấu, trong khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thầy giáo sử học trở thành một vị tướng. Moltke là người đã xây dựng quân đội Phổ, đội quân đã đem lại sự thống nhất nước Đức. Ông Giáp là người xây dựng quân đội Việt Nam, đội quân đã mang lại sự thống nhất đất nước cho Việt Nam.

Quân Phổ của Moltke đã đánh bại Đan Mạch, Áo và Pháp trong khi quân đội của Tướng Giáp đánh bại quân Nhật đầu năm 1945, Pháp và Mỹ hùng mạnh.

Moltke chiến đấu trong cuộc xung đột đế quốc. Đại tướng Giáp với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng trong 34 năm, là cánh tay phải của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ 20 để bảo vệ tổ quốc. Đại tướng Giáp sẽ sống mãi trong lịch sử quân sự cũng như tướng Moltke, một nhà quân sự kinh điển.

Một lần nữa tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Những tán lá xanh của vườn cây hạnh phúc phản chiếu ánh sáng bầu trời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục