Quyết liệt dập các loại dịch bệnh trên lúa ở Nam Bộ

Các địa phương Nam Bộ cần thực hiện các biện pháp cấp bách dập dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa, tránh lây lan rộng.
Trước nguy cơ bùng phát dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa Hè Thu 2011 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách dập dịch bệnh trên lúa, tránh lây lan diện rộng.

Các tỉnh trong vùng khẩn trương điều tra, giám sát đồng ruộng, theo dõi sát bẫy đèn, đồng thời gieo sạ lúa Hè Thu chính vụ theo hướng tập trung, đồng loạt trong tháng Năm và kết thúc gieo sạ trước ngày 10/6/2011.

Đối với trà lúa gieo sạ trong tháng Hai có triệu chứng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, hướng dẫn nông dân tranh thủ thu hoạch sớm, cày vùi ngay sau gặt và giữ cách ly tối thiểu 20 ngày trước khi xuống giống vụ tiếp theo, phun trừ rầy trong trường hợp mật độ rầy tăng cao để tránh lây lan sang trà lúa khác.

Đối với lúa gieo sạ trong tháng Ba có triệu chứng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, vận động nông dân nhổ hủy cây lúa bệnh, tích cực chăm sóc, bón phân cân đối và phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo năng suất lúa.

Đối với trà lúa chính vụ trong tháng Tư đang ở giai đoạn mạ-đẻ nhánh, hiện phát triển tốt, ít bị nhiễm bệnh, các địa phương tăng cường điều tra phát hiện sớm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá để nhổ hủy những cây lúa nhiễm bệnh.

Riêng tại các ruộng nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có mật độ rầy thấp thì theo dõi tích cực, chưa cần can thiệp bằng thuốc trừ rầy.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ đã có gần 12.700 ha lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, tỷ lệ nhiễm từ 5-10%.

Triệu chứng bệnh ngoài đồng cũng có nhiều khác biệt so với trước đây khi bị nhiễm muộn (sau 20-30 ngày sau sạ) kết hợp với triệu chứng ruộng bị nhiễm phèn nặng, ngộ độc hữu cơ và khô hạn. Hiện lúa Hè Thu đại trà đã xuống giống được hơn 1 triệu hécta, phần lớn ở giai đoạn mạ-đẻ nhánh.

Vụ năm nay, do áp lực giá lúa cao, cùng với sự chủ quan do dịch bệnh giảm trong nhiều vụ trước, nông dân một số tỉnh trong vùng đã xuống giống quá sớm lúa Hè Thu trong tháng Hai và tháng Ba.

Diện tích trà lúa sớm này khoảng 200.000ha, hầu hết giai đoạn mạ-đẻ nhánh của trà lúa này trùng với đợt rầy di trú rộ từ diện tích lúa Đông Xuân đang thu hoạch, dẫn tới việc lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá./.

Hoàng Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục