Philippines cấm xuất khẩu lao động tới 15 quốc gia

Chính phủ Philippines sẽ cấm việc xuất khẩu lao động tới 15 quốc gia được cho là không đáp ứng các yêu cầu về an toàn lao động.
Theo Cơ quan Quản lý Lao động Philippines ở nước ngoài (POEA) ngày 3/7, Chính phủ nước này sẽ cấm việc xuất khẩu lao động tới 15 quốc gia được cho là không đáp ứng các yêu cầu về an toàn lao động.

Ông Hans Leo Cacdac, lãnh đạo POEA, thông báo rằng việc ngừng triển khai xuất khẩu lao động sẽ được thực hiện ở Afghanistan, Chad, Eritrea, Haiti, Lebanon, Mali, Mauritania, Nepal, Niger, Palestine, Somalia, Uzbekistan, Zimbabwe...

Ông Hans Leo Cacdac cho biết, để được chứng nhận là an toàn, một quốc gia cần phải có các luật lao động xã hội hiện hành bảo vệ quyền lợi của người lao động, là nước ký kết hoặc nước phê chuẩn một công ước đa phương, tcó uyên bố hoặc nghị quyết liên quan đến bảo hộ người lao động...

Ước tính, Philippines có khoảng từ 9-11 triệu lao động đang làm việc tại nước ngoài, chiếm 11% dân số.

Tiền kiều hối do lao động xuất khẩu chuyển về đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của quốc đảo này. Năm 2011, lượng kiều hối do người dân nước này gửi về qua các ngân hàng đạt 20,1 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2010. Trong bốn tháng đầu năm 2012, lượng kiều hối của Philippines  là 7,3 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Trước đây, Philippines từng cấm xuất khẩu lao động đến một số khu vực đang có xung đột, song người lao động nước này vẫn chấp nhận việc làm trái phép tại đó chỉ vì có mức lương cao hơn ở nhà./.

Kim Dung/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục