Du lịch Tuyền Lâm: Biệt thự "chiếm chỗ" rừng phòng hộ

Hàng chục dự án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cấp phép để khai thác tiềm năng du lịch hồ Tuyền Lâm. Thế nhưng đằng sau các con số đầu tư "hoành tráng" là cảnh rừng thông phòng hộ bị chặt hạ để lấy đất cho sân golf và biệt thự, bất chấp tình trạng môi trường tại khu vực thiên nhiên đẹp nhất Đà Lạt, cũng là di tích thắng cảnh cấp quốc gia đang xấu đi mỗi ngày. Đáng lưu ý là các dự án đang thi công đều nằm trong khu vực cấm xây dựng theo Luật di sản văn hóa 2001 vì theo quyết định số 1811/QĐ-BVHTT ngày 31/8/1998 thì hồ Tuyền Lâm là di tích thắng cảnh cấp quốc gia?!
Là di tích thắng cảnh cấp quốc gia từ năm 1998, với diện tích 1.552ha, đáng lẽ hồ Tuyền Lâm phải được bảo vệ và tôn tạo đúng các quy định của Luật di sản. Ngược lại, cảnh quan của thắng cảnh này đã và đang bị xâm hại khi hàng chục dự án du lịch đang chặt dần các khu rừng thông phòng hộ ven hồ, cũng như đang tiềm ẩn nguy cơ làm ô nhiễm nước hồ.

Hàng chục dự án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cấp phép để khai thác tiềm năng du lịch hồ Tuyền Lâm. Thế nhưng đằng sau các con số đầu tư "hoành tráng" là cảnh rừng thông phòng hộ bị chặt hạ để lấy đất cho sân golf và biệt thự, bất chấp tình trạng môi trường tại khu vực thiên nhiên đẹp nhất Đà Lạt, cũng là di tích thắng cảnh cấp quốc gia đang xấu đi mỗi ngày.

Quyết định số 2117/QĐ-UBND do ông Huỳnh Đức Hòa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng ký ngày 17/7/2006 phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch hồ Tuyền Lâm, thuộc địa bàn thành phố Đà Lạt, đã xác định rõ các phân khu chức năng sẽ được xây dựng trong số 2.827ha diện tích rừng phòng hộ, đất rừng và mặt nước của hồ Tuyền Lâm.

Theo quy hoạch, khu Tây Bắc hồ Tuyền Lâm rộng 150ha sẽ được xây dựng các nhóm biệt thự ven hồ hoặc nằm theo các sườn đồi với mật độ xây dựng từ 15-25% tùy theo mức độ xung yếu của rừng phòng hộ.

Một khu nghỉ dưỡng cao cấp rộng 550ha cũng sẽ được xây dựng trên diện tích rừng phòng hộ và đất nông nghiệp, có mật độ xây dựng từ 8-15%.

Nếu theo quy hoạch này thì hầu như toàn bộ diện tích rừng phòng hộ, trong đó chủ yếu là rừng thông, bao bọc hồ Tuyền Lâm sẽ bị các công trình xây dựng chiếm chỗ. Bởi lẽ, theo quyết định 450/QĐ-UBND cũng do ông Huỳnh Đức Hòa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng ký ngày 19/2/2008 phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008-2020, thì khu vực hồ Tuyền Lâm gồm 3 tiểu khu có 2.422ha rừng phòng hộ cấp xung yếu.

Hay nói khác đi, nếu trong năm 2010, khi 6.800 phòng nghỉ cao cấp được xây dựng tại các phân khu chức năng thì hầu như toàn bộ diện tích rừng phòng hộ tại khu di tích thắng cảnh cấp quốc gia hồ Tuyền Lâm sẽ bị "teo tóp" nghiêm trọng.

Một ngày đầu tháng Bảy, theo chân những người dân sống ven hồ Tuyền Lâm, phóng viên Vietnam+ đã chứng kiến cảnh rừng phòng hộ bị chặt hạ thẳng tay để lấy đất xây dựng biệt thự.

Ngay phía trái đường vào bờ đập hồ Tuyền Lâm có một con đường đất đỏ dẫn thẳng vào bãi gỗ thông lổn ngổn cây lớn cây bé. Nhiều cây to hơn một vòng tay người lớn còn nhựa tươi bị vứt chỏng chơ trên bãi cỏ xanh.

Theo phản ánh của người dân, đây là những cây thông được chặt hạ từ hai dự án khu biệt thự cao cấp Galaticos Living và tổ hợp khách sạn 5 sao Hôtel De Royale của Công ty cổ phần đầu tư Gia Tuệ.

Đối chiếu với thông tin của Ban quản lý khu du lịch hồ Tuyền Lâm, chúng tôi được biết Công ty cổ phần đầu tư Gia Tuệ đã có “giấy phép chặt” 629 cây thông trên diện tích 2,59ha rừng tự nhiên của tiểu khu 162B.

Việc chặt hạ số thông này đã được thực hiện trong thời gian từ 25/5/2010 đến 30/6/2010 để lấy mặt bằng chuẩn bị cho chủ đầu tư xây dựng hơn 160 biệt thự cùng tổ hợp khách sạn 100 phòng tiêu chuẩn 5 sao, với thời gian dự kiến hoàn thành năm 2013.

Bám theo con đường đất đỏ được xẻ thẳng vào khu vực rừng phòng hộ, chúng tôi leo dần lên khu vực đỉnh đồi cao nơi có dự án xây dựng khu kỳ quan thế giới và du lịch nghỉ dưỡng rộng hơn 52ha của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công trình HACO.

Số liệu thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng và đất rừng khu vực dự án của Chi cục lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Lâm Đồng cho thấy ngày 9/1/2006, khu vực dự án này phần lớn là rừng thông tự nhiên. Thế nhưng phương án xây dựng được phê duyệt đã mạnh tay phá bỏ phần lớn diện tích rừng thông này.

Chỉ riêng tuyến đường chính của dự án, theo như báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã có 2.226 cây rừng, chiếm 47,8% tổng số cây rừng bị ảnh hưởng.

Ngay chính chủ đầu tư trong báo cáo cũng thừa nhận diện tích thảm thực vật tại khu đất dự án bị phá bỏ (khoảng 4.658 cây thông) sẽ làm cho hệ thực vật bị suy giảm, những động vật sống trong môi trường này sẽ bị tiêu diệt hoặc chuyển đi nơi khác.

Ngoài ra, lượng nước mưa chảy tràn trên diện tích dự án có thể lên đến 93 m3/giờ sẽ cuốn theo đất cát, dầu mỡ cùng các tạp chất.

Nếu không quản lý tốt lượng nước mưa này thì sẽ gây tác động bất lợi đến nguồn nước mặt, nước ngầm và đời sống thủy sinh trong khu vực hồ Tuyền Lâm.

Còn tại bán đảo phía Nam hồ Tuyền Lâm, dự án Nam Sơn Resort & Spa Đà Lạt nằm sừng sững với 34 biệt thự cùng khoảng 150 phòng ngủ trên 15ha đất trước đây là rừng thông sát mép hồ.

Đối diện với dự án của Công ty Maico là khu Bình An Village Đà Lạt do Công ty cổ phần Làng Bình An làm chủ đầu tư có quy mô 7ha cũng đang được thi công cấp tốc.

Điều đáng lưu ý là ngoài việc chặt thông thì các hạng mục nhà biệt thự của cả hai dự án này đều nằm trong khu vực cấm xây dựng theo Luật di sản văn hóa 2001 vì theo quyết định số 1811/QĐ-BVHTT ngày 31/8/1998 thì hồ Tuyền Lâm là di tích thắng cảnh cấp quốc gia?!./.

Kim Quy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục