Thâm hụt ngân sách làm kinh tế thế giới tăng chậm?

Tình trạng ngân sách xấu đi kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính bắt đầu đã làm gia tăng số nước có nguy cơ phá sản.
Mạng tin phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí Nhà kinh tế ngày 25/2 cho rằng rủi ro chủ quyền đang nổi lên là một trong các vấn đề quan trọng nhất sau khủng hoảng, đặc biệt là ở các nước phát triển.

Cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đã làm vấn đề này càng được chú ý nhiều hơn. Điều này cũng làm chính phủ các nước rơi vào tình cảnh khó khăn giữa việc đáp ứng yêu cầu củng cố ngân sách của các nhà đầu tư với việc không bóp nghẹt quá trình phục hồi kinh tế do chính sách tài chính quá chặt.

Ở một số nước như Hy Lạp, chính phủ đang buộc phải nhanh chóng cắt giảm thâm hụt ngân sách thông qua các chương trình thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách ở các nước khác sẽ vẫn cao.

Chẳng hạn như Mỹ, dự báo thâm hụt ngân sách năm nay không chỉ ở mức 10,5% GDP, mà sẽ giảm rất chậm trong những năm tới. Dự báo đến năm 2014, thâm hụt ngân sách của Mỹ vẫn ở mức 6,4% GDP, cao hơn nhiều so với trước khủng hoảng.

Triển vọng ngân sách của các nước phát triển khác cũng xấu không kém. Anh, với mức thâm hụt ngân sách năm nay dự kiến lên tới 14% GDP, sẽ phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc, nhưng thâm hụt ngân sách năm 2014 sẽ vẫn ở mức 8% GDP. Số tiền trả lãi cho các khoản nợ của chính phủ sẽ tăng từ mức 2% GDP trước khủng hoảng lên 6,5% GDP vào năm 2010.

Khoản trả lãi của Tây Ban Nha sẽ tăng từ 1,9% GDP năm nay lên 4% GDP vào năm 2014. Chi phí nợ của các nước tăng sẽ thể hiện trong việc lãi suất được nâng trở lại mức bình thường từ mức thấp hiện nay, nhưng nó cũng dẫn đến hậu quả là nợ công cũng tăng lên.

Nợ công của Tây Ban Nha sẽ tăng lên 71% GDP và của Pháp là 95% GDP vào năm 2014.

Chi phí nợ tăng lên sẽ làm khả năng tăng trưởng của các nền kinh tế bị kìm hãm. Chính phủ các nước sẽ phải chi nhiều hơn cho việc trả lãi thay vì đầu tư cho cải thiện sản xuất.

Đây là vấn đề đặc biệt lo ngại trong môi trường hiện nay vì đa số các nền kinh tế sẽ tăng trưởng yếu hơn nhiều so với trước khủng hoảng. Hơn nữa, sự thay đổi trong vòng 18 tháng qua, như sự thay đổi trong lĩnh vực tài chính, về cơ bản đã giảm đi khả năng tăng trưởng của các nước.

Nếu những lo ngại về vấn đề rủi ro chủ quyền tăng lên, chi phí đi vay tăng lên nữa sẽ hạn chế sự tăng trưởng kinh tế và sụt giảm nguồn thu từ thuế.

Mối lo ngại trên tồn tại cho dù tình hình tài chính yếu hiện nay có dẫn đến việc thực tế phá sản ở một nước nào đó hay không. Nhưng nếu việc phá sản hay gần phá sản xảy ra thì nó có thể làm kinh tế toàn cầu hứng chịu thêm nhiều sức cản.

Tác động đầu tiên và có thể là nguy hiểm nhất đối với các nước chịu ảnh hưởng là nó thúc đẩy các dòng vốn lớn chảy ra. Lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ tăng vì các nhà đầu tư yêu cầu cao hơn, chi phí tài chính của lĩnh vực tư nhân cũng sẽ tăng lên.

Một cuộc khủng hoảng chủ quyền cũng có thể có tác động lan truyền. Những khó khăn hiện nay của khu vực đồng euro cho thấy điều này. Vấn đề nợ của một chính phủ có thể dẫn đến việc nhà đầu tư nghi ngờ về mức độ an toàn của trái phiếu chính phủ các nước khác.

Điều đó có thể tạo ra một vòng rối loạn mới trên thị trường tài chính, đặc biệt nếu việc hạ thấp mức độ tín dụng dẫn đến việc các nhà đầu tư có tổ chức điều chỉnh lại danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ.

Trong khi mức độ tín nhiệm của một số nước bị hạ xuống cho thấy khả năng phá sản cao hơn, nhưng mối đe dọa lớn chính là phản ứng của thị trường và chính sách đối phó đối với rủi ro chủ quyền có thể kìm hãm hơn nữa sự tăng trưởng kinh tế vào đúng thời điểm mà sự phục hồi vẫn chưa vững chắc.

Áp lực của thị trường và áp lực chính trị buộc các chính phủ phải thắt lưng buộc bụng càng lớn thì khả năng kinh tế rơi trở lại suy thoái càng cao, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực tư nhân chưa thể sớm trở lại làm động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Do đó, chính phủ các nước phải đối mặt với một sự lựa chọn không mong muốn phải giảm nhanh thâm hụt ngân sách thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng và chấp nhận mất đi sự phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, hoặc giảm thâm hụt ngân sách dần dần và chấp nhận các hậu quả tiềm ẩn trên thị trường trái phiếu.

Dự báo tăng trưởng GDP tính theo sức mua của các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ giảm xuống 1,6% trong năm 2011 so với mức 2% của năm 2010. Tuy nhiên, nếu tình hình tài chính tiếp tục xấu đi mức dự báo này có thể tiếp tục giảm xuống.

Đây là một tin xấu không chỉ đối với các nước liên quan mà ngay cả với nhiều nước hưởng lợi gián tiếp từ các gói kích thích kinh tế của các nước giàu thông qua thương mại./.

Đình Thư (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục