Tổng thống Argentina trước cơ hội làm nên lịch sử

Khả năng tái đắc cử của đương kim Tổng thống Argentina Cristina Fernández trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 23/10 tới là rất lớn.
Trong lịch sử Argentina, hiếm có khi nào cuộc tranh cử tổng thống lại "kém hấp dẫn" như năm nay, khi kết quả cuộc bầu chọn sơ bộ hồi tháng 8 vừa qua và mọi cuộc thăm dò đều cho thấy khả năng tái đắc cử quá lớn của đương kim Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 23/10 tới.

Hiện tại, vị nữ nguyên thủ quốc gia này nhận được sự ủng hộ của 49,5% cử tri Argentina, bỏ xa hai đối thủ kế tiếp là ông Hermes Binner - cựu Thống đốc tỉnh Santa Fe và Thượng nghị sỹ Ricardo Alfonsín, lần lượt được 12% và 10,8% cử tri ủng hộ.

Trong khi đó, theo luật pháp quốc gia Nam Mỹ này, một ứng cử viên dẫn đầu sẽ đắc cử ngay vòng một khi dẫn đầu với số phiếu ủng hộ trên 45%, hoặc trên 40% và khoảng cách với người thứ hai lớn hơn 10%.

Như vậy, bà Cristina Fernández - người phụ nữ đầu tiên đắc cử Tổng thống Argentina - đang đứng trước cơ hội làm nên hai cột mốc lịch sử khác kể từ khi nền dân chủ được lập lại tại quốc gia Nam Mỹ này (năm 1983): trở thành người đắc cử Tổng thống với tỷ lệ ủng hộ cao nhất và đưa một lực lượng chính trị (đảng Mặt trận vì thắng lợi) cầm quyền ba nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 2003).

Có nhiều nguyên nhân giải thích thành công của bà Fernández nói riêng và của Mặt trận vì thắng lợi trung tả nói chung, từ bối cảnh kinh tế thế giới thuận lợi cho tới trước cuộc khủng hoảng 2008-2009 với giá nông sản - mặt hàng xuất khẩu chính của Argentina - luôn ở mức cao, cho tới sự chia rẽ và suy yếu của các lực lượng đối lập, hay sự phục hồi lòng tin vào chính trị của giới trẻ tại "xứ sở tango" và đề ra phương hướng đối ngoại mới với trọng tâm hướng vào hội nhập khu vực Nam Mỹ.

Nhưng có thể nói yếu tố quan trọng nhất chính là định hướng kinh tế đúng đắn, với việc khôi phục vai trò của thành phần kinh tế nhà nước, giúp Argentina vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị trầm trọng giai đoạn 2001-2002, đạt tỷ lệ tăng trưởng cao và ổn định trong những năm sau đó và đối phó thành công cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế 2008-2009, đồng thời áp dụng nhiều chính sách trợ cấp xã hội để phân chia lợi ích từ phát triển kinh tế một cách cân bằng hơn.

Bên cạnh đó, cũng phải nói tới sự lôi cuốn cá nhân của bà Cristina Fernández, với hình ảnh của một nữ chính trị gia thông minh, quyết đoán và giàu nghị lực gắn liền với khả năng diễn thuyết đi vào lòng quần chúng, đặc biệt là giới phụ nữ lao động và thanh niên.

Tất nhiên, con đường trong 8 năm qua không phải được trải toàn hoa hồng, với những thời điểm đầy thách thức với Tổng thống Fernández như phong trào phản đối mạnh mẽ của giới chủ nông nghiệp trước dự luật cải cách thuế xuất khẩu nông sản năm 2008, điều dẫn tới thất bại của phe cầm quyền trong cuộc bầu cử Nghị viện giữa nhiệm kỳ năm 2009, hay sự ra đi đột ngột của người bạn đời và chỗ dựa chính trị vững chắc của bà, cố Tổng thống Nestor de Kirchner hồi tháng 10/2010.

Theo các nhà quan sát, trong trường hợp đắc cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Fernández sẽ tập trung đối phó với tình trạng lạm phát cao, tăng chỉ số tín nhiệm trong các thống kê tài chính-kinh tế, tăng cường dự trữ ngoại tệ, phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng nối liền với các quốc gia Nam Mỹ khác, đẩy mạnh cải cách giáo dục...

Nếu những dự đoán này trở thành hiện thực, Argentina sẽ trải qua một thời kỳ phát triển ổn định dài và liên tục (2003-2015) và đây sẽ là dấu ấn quan trọng nhất của cặp vợ chồng tổng thống Kirchner trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục