Nỗ lo khủng hoảng nợ vẫn đè nặng lên châu Âu

Sau bài học Hy Lạp, Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng quyết định cứu trợ Ireland thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, các nỗ lực này cho đến nay vẫn chưa củng cố được lòng tin của các nhà đầu tư vào thị trường tài chính Khu vực đồng euro và chưa xua tan được nỗ lo về một hiệu ứng "đôminô" khủng hoảng nợ trong khu vực.
Sau bài học Hy Lạp, Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng quyết định cứu trợ Ireland thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng nợ công.

Tuy nhiên, các nỗ lực này cho đến nay vẫn chưa củng cố được lòng tin của các nhà đầu tư vào thị trường tài chính Khu vực đồng euro và chưa xua tan được nỗ lo về một hiệu ứng "đôminô" khủng hoảng nợ trong khu vực.

Do khủng hoảng lòng tin, các nhà đầu tư ngày 23/11 đã "bán tống bán tháo" trái phiếu chính phủ mà họ mua trước đó, khiến chỉ số trái phiếu chủ chốt của Bồ Đào Nha giảm 2,2%, trong khi chỉ số này của Tây Ban Nha giảm 3,1% xuống mức thấp nhất kể từ tháng Bảy vừa qua.

Đồng euro cũng "trượt dốc," lần đầu tiên xuống mức một euro đổi được 1,34 USD trong hai tháng qua.

Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm của Bồ Đào Nha đã tăng lên 6,9% trong phiên giao dịch ngày 23/11, so với 6,8% trong phiên giao dịch ngày hôm trước.

Tây Ban Nha cũng đã cảm nhận được sức ép của thị trường khi phí tổn vay mượn trung bình của nước này tăng gần gấp đôi trong các đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn ba tháng và sáu tháng cùng ngày.

Lisbon thậm chí đã phải hạn chế bán trái phiếu do bị các nhà đầu tư ép tăng lãi suất. Sự gia tăng phí tổn vay mượn ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha khiến các nhà đầu tư càng thêm lo ngại về nguy cơ vỡ nợ ở hai quốc gia này.

Hiện các nhà phân tích đang có những nhận định trái chiều về nguy cơ vỡ nợ ở những quốc gia được xem là các con bài đôminô tiếp sau Hy Lạp, gồm Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Theo Chủ tịch thường trực EU Herman Van Rompuy, khu vực tài chính của Bồ Đào Nha hiện vẫn hoạt động tốt do nước này không phải đối phó với bong bóng bất động sản nghiêm trọng, các ngân hàng duy trì được nguồn vốn ổn định và chính phủ đã có một chương trình khắc khổ nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.

Các nhà kinh tế viện Capital Economics cũng đánh giá nguy cơ Bồ Đào Nha xin cứu trợ là "tương đối thấp," nhưng cảnh báo nếu xảy ra, điều này sẽ gây hiệu quả tàn khốc.

Chuyên gia Tullia Bucco thuộc ngân hàng Unicredit cho rằng với mức nợ công lên tới 161 tỷ euro (tương đương 82% GDP), nhu cầu huy động vốn của Bồ Đào Nha còn cao hơn cả Ireland. Sang năm 2011, Bồ Đào Nha sẽ đối mặt với khoản nợ 25,6 tỷ euro chưa có nguồn để thanh toán và Bồ Đào Nha sẽ thấy phi lý khi phải trả lãi suất trái phiếu xấp xỉ 7%. Theo chuyên gia này, Bồ Đào Nha rất có thể sẽ tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài trong năm tới.

Về trường hợp Tây Ban Nha, Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này Miguel Angel Fernandez Ordonez thừa nhận tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Ireland đã lan nhanh sang các láng giềng, bao gồm Tây Ban Nha và chương trình thắt lưng buộc bụng của Madrid tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Theo các nhà phân tích, điều này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh kinh tế Tây Ban Nha không tăng trưởng trong quý III/2010, sau hai quý tăng trưởng chậm và gần hai năm suy thoái, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này hiện ở mức cao trong Khu vực đồng euro, chiếm gần 20% lực lượng lao động.

Trong một dấu hiệu khác phản ánh mối lo về khủng hoảng nợ ở châu Âu, các bộ trưởng tài chính Nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản) tối 22/11 đã họp tại Brussels, Bỉ để thảo luận tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Ireland./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục