“Sĩ tử đặc biệt” và ước mơ chinh phục “Vũ môn”

Trong hàng triệu sỹ tử, có rất nhiều những trường hợp “đặc biệt.” Vượt qua khó khăn, họ nuôi ước mơ chinh phục giảng đường Đại học.
Trong hàng triệu thí sinh tham dự kỳ thi Đại học năm nay, có rất nhiều trường hợp “đặc biệt.” Vượt qua mặc cảm, khó khăn, họ đang nuôi ước mơ chinh phục giảng đường Đại học, dùng trí tuệ để lập thân, lập nghiệp…

“Cô bé tiểu học” đi thi đại học

Ấn tượng với bất cứ ai ngay lần đầu gặp gỡ, thí sinh Hoàng Thị Mỹ Linh (quê tại Phú Xuyên, Hà Nội) có một nụ cười thật tươi và ánh mắt rạng ngời. Thế nhưng, số phận của thí sinh dự thi trường Đại học Công nghệ lại không được tươi tắn như nụ cười ấy.

Từ nhỏ, do một căn bệnh bẩm sinh nên đôi chân của Mỹ Linh không thể phát triển bình thường. Trọng lượng cơ thể dồn lên đôi chân bệnh tật, yếu đuối khiến việc đi lại đối với em thực sự rất khó khăn. Đến nay, dù đã là một thiếu nữ nhưng nhìn ngoại hình Linh vẫn chỉ nhỏ như một cô bé học sinh tiểu học.

“Nhìn các bạn cùng trang lứa có thể tự do đi lại nhiều nơi, em thực sự rất tủi thân. Tuy cách nội thành không xa, nhưng đây là lần đầu tiên em tới trung tâm Thủ đô,” Linh bộc bạch.

Có lẽ mặc cảm về ngoại hình khiến “cô học sinh tiểu học” rất ít khi trải lòng, nói về chuyện riêng của mình. Trong câu chuyện nhát gừng, Linh bảo gia đình em chỉ có hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Cuộc sống vất vả, khó khăn càng khiến cô bé mang nhiều suy tư, trăn trở hơn về hoàn cảnh kém may mắn của mình.

Khó khăn vất vả nhưng không phải vì thế mà Mỹ Linh dễ dàng “đầu hàng” số phận. Từ nhỏ, Linh đã sớm có ý thức tự lập và xác định rõ ràng mục tiêu trong tương lai của mình, chỉ có con đường học tập thật tốt mới khiến em có được một công việc ưng ý, phụng dưỡng mẹ trong tương lai.

Nói về việc chọn thi vào ngành công nghệ thông tin, Linh bảo từ nhỏ, em đã cảm thấy rất thích thú mỗi khi xem tivi, nghe đài báo nói về những thành tựu, ứng dụng của lĩnh vực này trong cuộc sống.

Báo chí cũng không ít lần đưa tin về những “hiệp sĩ” công nghệ thông tin, có hoàn cảnh khó khăn như Khúc Hải Vân [khiếm thị-pv], Nguyễn Công Hùng [bại liệt từ nhỏ, toàn thân co quắp-pv] nhưng vẫn sử dụng công nghệ thông tin để làm việc, giúp đỡ mọi người… Linh cho biết, có những bài báo viết về vấn đề này, em đã mê mẩn đọc đi đọc lại đến gần như thuộc lòng.

“Hơn nữa, em nghĩ rằng nghề này phù hợp với mình vì đặc trưng công việc sẽ không phải di chuyển nhiều,” ánh mắt nhìn xa xăm, cô học trò tâm sự.

Nỗi lòng học trò mồ côi…

May mắn hơn Mỹ Linh khi có một cơ thể khỏe mạnh nhưng Hoàng Ngân-thí sinh tham dư kỳ thi tuyển sinh năm nay của Đại học Lâm nghiệp Hà Nội lại sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hai tuổi mất cha, bảy tuổi mất mẹ, Ngân lớn lên trong sự yêu thương chăm sóc của ông bà ngoại.

“Nhìn các bạn có cha hay mẹ đưa đi thi, có bạn còn được cả cha và mẹ đưa vào tận phòng thi, đôi khi, em không cầm được nước mắt vì chạnh lòng,” Ngân chia sẻ.

Sự nhạy cảm vốn có cộng thêm hoàn cảnh đặc biệt khiến Ngân trông già dặn và trưởng thành hơn so với nhiều bạn cùng lứa tuổi. Ngân cho biết, ngay từ khi bước vào trung học phổ thông, em luôn xác định rất rõ ràng mục tiêu của mình là phải thi đỗ đại học.

“Em không thể phụ lòng ông bà, dù khó khăn vẫn luôn tạo điều kiện tốt nhất để cho em đi học, được bằng bạn bằng bè. Em luôn tâm niệm rằng, sau khi tốt nghiệp, em sẽ trở về quê hương làm việc và phụng dưỡng ông bà,” Ngân tâm sự.

Đến từ huyện miền núi Bắc Sơn (Lạng Sơn), thí sinh Vi Thị Như Quỳnh, dân tộc Tày, mang quyết tâm chinh phục giảng đường đại học để làm quà cho người mẹ khuyết tật của mình. Quỳnh cho biết, trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, em đăng ký thi khối A vào trường Đại học Luật và khối B vào Đại học Y Thái Nguyên; trong đó, khối B là trọng tâm.

“Mỗi lần nhìn mẹ lần hồi từng bước với đôi chân khuyết tật ra chợ buôn bán, bất kể nắng mưa nuôi em ăn học, em càng thấy mình phải cố gắng để báo đáp công ơn dưỡng dục. Lý do đặt khối B là trọng tâm bởi em muốn trở thành bác sĩ, sau này có điều kiện chăm sóc mẹ tốt hơn,” Quỳnh nói.

Cũng theo lời Quỳnh, từ nhỏ em chưa một ngày được sống gần cha. Người mẹ ốm yếu, lại thường xuyên phải hứng chịu những trận “búa rìu dư luận” bởi những người không thông cảm cho hoàn cảnh éo le riêng của cuộc đời...

“Ở quê em, định kiến xã hội vẫn nặng nề lắm. Lưng mẹ như còng xuống, đôi vai hao gầy theo thời gian và mái tóc điểm bạc trước tuổi,” cô bé xót xa nói.

Đó chỉ là ba trong số vô vàn những hoàn cảnh khó khăn của các sĩ tử đang gồng mình chinh phục ước mơ giảng đường đại học. Với họ, con đường tri thức sẽ giúp giúp họ nhanh thỏa nguyện ước mơ, vượt qua số phận nghiệt ngã để lập nghiệp./.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục