Người đi xe buýt chiếm 92% sản lượng vận chuyển

Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, năm 2009 đã có 385 triệu hành khách đi xe buýt, chiếm trên 92% sản lượng vận chuyển toàn thành phố.
Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, năm 2009 đã có 385 triệu hành khách đi xe buýt, tăng 5% so với năm trước và tăng gần 26 lần so với 8 năm trước đó; chiếm trên 92% sản lượng vận chuyển của toàn thành phố.

Trong số hành khách trên, tỷ lệ khách ổn định - đi vé tháng chiếm tới hơn 80% và hơn 19% khách đi vé lượt. Hiện mỗi ngày có trên 200.000 người, chủ yếu là học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức đi xe buýt thường xuyên bằng vé tháng.

Xe buýt đã trở thành thói quen không thiếu được của nhiều người dân, đặc biệt cán bộ hưu trí và học sinh, sinh viên. Ước tính, trung bình mỗi ngày xe buýt vận hành trên 10.000 lượt xe, vận chuyển được trên 1 triệu lượt hành khách, hạn chế trên 700.000 lượt xe máy tham gia giao thông trên đường phố.

Đặc biệt, vào giờ cao điểm, xe buýt đã vận chuyển được trên 30% lưu lượng khách thông qua trên các trục đường chính, nhất là trục Nguyễn Trãi-Hà Đông có làn đường dành riêng cho xe buýt, hiệu quả chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường huyết mạch phía tây thành phố này rất cao.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Đoàn Dũng khẳng định quyết tâm tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, trong đó năm 2009 đã triển khai quyết liệt các giải pháp về luồng tuyến, phương tiện, cơ sở hậu cần xe buýt, trang thiết bị và ứng dụng công nghệ, đào tạo đội ngũ và kiểm tra giám sát. Cụ thể, về luồng tuyến đã điều chỉnh kéo dài 7 tuyến buýt phục vụ người dân các khu vực chưa có xe buýt - địa bàn mới hợp nhất về Hà Nội.

Tổng công ty phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội thực hiện gần 100 lượt điều chỉnh lộ trình tuyến phục vụ công tác tổ chức lại và phân luồng giao thông của thành phố; cùng liên ngành rà soát di chuyển các điểm dừng, nhà chờ có nguy cơ gây ùn tắc giao thông.

Tổng công cũng đã đầu tư, đổi mới hơn 130 xe buýt thay thế xe cũ, tăng cường năng lực cung ứng cho các tuyến, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Từ đầu năm 2005 đến nay, Tổng công ty đã đầu tư, đổi mới gần 450 xe buýt trên tổng số hơn 800 xe hiện có (số xe buýt tăng gấp 4 lần so với năm 2001).

Cùng với đổi mới phương tiện, đến nay, Tổng công ty đã xây dựng và đưa vào sử dụng 5 Depot xe buýt đạt tiêu chuẩn tiên tiến trong khu vực như tại Lạc Trung, Kim Ngưu, Xuân Thủy và Liên Ninh với mô hình quản lý tập trung theo tiêu chuẩn ISO.

Ngoài ra, Tổng công ty ứng dụng các phần mềm và gắn thiết bị GPS cho toàn bộ trên 800 xe buýt đã hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành và xử lý các lỗi vi phạm về tiêu chí chất lượng phục vụ.

Công tác đào tạo độ ngũ và kiểm tra, giám sát cũng được thường xuyên coi trọng, do đó tỷ lệ xe vi phạm giờ xuất bến, về bến do chủ quan giảm 80%; vi phạm dừng đỗ, cắt lộ trình tuyến giảm 90%; đơn thư của khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ giảm 80%.

Theo ông Nguyễn Đoàn Dũng, xe buýt đã được thành phố ưu tiên dành riêng điểm trung chuyển, giờ đây ước mơ của xe buýt làm sao hạ tầng xe buýt ngày càng hiện thiện để Tổng công ty chuyên tâm vào công tác vận hành xe buýt để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tốt hơn.

Vừa qua, Tổng công ty đã tự bỏ vốn đầu tư 500 tỷ đồng cho hoạt động xe buýt. Trên cơ sở, đó, thành phố sẽ xem xét việc hỗ trợ để Tổng công ty tiếp tục duy trì, phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phục vụ nhiệm vụ chính trị-xã hội của thành phố.

Mặt khác, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu Tổng công ty phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức rà soát, xác định lại toàn bộ mạng lưới điểm đỗ xe đồng thời tham mưu, đề xuất với thành phố cơ chế quản lý nhằm giảm tình trạng đỗ xe tùy tiện của lái xe./.

Tuyết Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục