Liệu có thuốc đặc trị?

Hội nghị EU: Thuốc đặc trị hay giải pháp tình thế?

Theo giới phân tích, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh EU chưa thể giải quyết tận gốc, mà chỉ có tạm thời ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa qua đã thể hiện quyết tâm chưa từng thấy của các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm đưa lục địa già thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công lớn nhất trong lịch sử.

Việc thông qua thỏa thuận gồm 3 điểm then chốt là xóa nợ cho Hy Lạp, tái cấp vốn cho các ngân hàng và tăng cường sức mạnh cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) đã phần nào xoa dịu những lo ngại về nguy cơ sụp đổ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Đồng tâm hợp lực

Thủ tướng Đức Angela Merrkel đã tuyên bố muốn cả thế giới thấy châu Âu tự bảo vệ mình như thế nào trước cuộc khủng hoảng sâu rộng và Hội nghị thượng đỉnh EU lần này đã phần nào chứng tỏ được sự đồng tâm hợp lực ấy.

Quyết định được xem là quan trọng nhất có lẽ là việc các ngân hàng chủ nợ đã tự nguyện xóa 50% các khoản nợ cho Hy Lạp, cao hơn gấp đôi mức 21% đã thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 7 vừa qua.

Động thái mới nhất này đã mở ra hy vọng cho Hy Lạp - quốc gia lâm nạn đầu tiên trong Eurozone, có thêm nguồn lực củng cố “sức khỏe” tài chính và tiến tới giảm gánh nặng nợ công từ 160% hiện nay xuống còn 120% GDP vào năm 2020.

Ngoài quyết định tái cơ cấu vốn ngân hàng, không thể không kể đến bước đột phá lớn khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí tăng nguồn vốn cho EFSF từ 440 tỷ euro hiện nay lên 1.000 tỷ euro.

Đây có thể được xem là biện pháp "mạnh tay" nhất nhằm ngăn chặn khủng hoảng trong tương lai, đặc biệt giúp xoa dịu những quan ngại trên các thị trường hiện nay về nguy cơ sụp đổ của Eurozone.

Các nhà lãnh đạo EU cũng hy vọng với mức vốn nói trên, EFSF có đủ lực để giúp ngăn chặn tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn ở Italy hay Tây Ban Nha - hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư trong khu vực.

Sự "đồng tâm hợp lực” của các nhà lãnh đạo châu Âu trong những ngày qua không chỉ giúp giải tỏa được những lo ngại châu lục này rơi vào thảm họa kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, mà còn giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang đe dọa đẩy nhanh quá trình rạn nứt giữa một bên là các quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung và bên kia là các quốc gia khác trong EU.

Cũng chính sự đồng lòng trong chính sách tài khóa mới đã góp phần khôi phục niềm tin của các thị trường vào đồng euro cũng như sự tồn tại của một liên minh tiền tệ từng một thời thịnh vượng.

Nỗi lo còn đó

Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu và thế giới tỏ ra khá hài lòng với kết quả Hội nghị thượng đỉnh EU và Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou thậm chí còn mô tả kết quả hội nghị là "một chương mới, một kỷ nguyên mới" đối với Athens, thì các chuyên gia kinh tế lại tỏ ra hoài nghi về kế hoạch này, cho rằng giải pháp hiện nay chưa chắc có thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

Theo các nhà phân tích, các biện pháp đưa ra tại hội nghị nhìn chung có vẻ khả quan, song giải pháp tổng thể này chưa thực sự đi vào chi tiết. Việc làm thế nào để tăng quy mô của quỹ EFSF từ 440 tỷ lên 1.000 tỷ euro cũng như thời điểm chính xác để mở rộng EFSF chưa hề được đề cập đến. Con số 1.000 tỷ euro có đủ để kéo khu vực thoát khỏi khủng hoảng và phạm vi sử dụng gói cứu trợ này như thế nào cho đến nay vẫn là một ẩn số.

Bên cạnh đó, để thành lập một quỹ có quy mô lớn như vậy đòi hỏi phải có được sự ủng hộ của các chính phủ lớn ở châu Âu, cùng những lời hứa hẹn với các nhà đầu tư để đảm bảo kế hoạch sẽ thành công.

Italy là một trong những quốc gia lớn, nhưng lại không thể đưa ra một kế hoạch giải cứu bằng cách vay tiền của chính mình

Còn Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, thì tỏ ra lo ngại rằng việc thành lập một quỹ giải cứu lớn như vậy có thể khiến nợ công tăng thêm và đẩy Pháp vào danh sách các quốc gia có thể lâm vào khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu hiện vẫn được coi là một bài toán nan giải.

Cái vòng luẩn quẩn “lo sợ vỡ nợ - buộc phải nâng mức lãi suất bảo đảm của các khoản nợ - khả năng vỡ nợ càng tăng thêm” chưa có khả năng sẽ được tháo gỡ trong một sớm một chiều.

Theo các nhà phân tích, kết quả của Hội nghị thượng đỉnh EU chưa thể giải quyết tận gốc, mà chỉ có tác dụng tạm thời ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ trong một thời gian nhất định.

Vị thế của châu Âu chỉ có thể được phục hồi khi cuộc khủng hoảng nợ được giải quyết trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, mà những dấu hiệu của sự tăng trưởng cho đến nay vẫn còn hết sức mờ nhạt./.

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục