Hàng trăm chuyến bay ở Đức, Tây Ban Nha bị hủy

Nhân viên ở sân bay Frankfurt bãi công đòi tăng lương, còn nhân viên Iberia Airline của Tây Ban Nha phản đối thành lập hãng hàng không mới.
Ngày 16/2, khoảng 200 nhân viên làm việc tại sân bay Frankfurt,  Đức, sân bay nhộn nhịp thứ ba ở châu Âu, đã tiến hành bãi công đòi tăng lương buộc sân bay phải hủy 150 chuyến bay trong tổng số 1.250 chuyến bay dự kiến và có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động vận tải hàng không của toàn châu Âu.

Công đoàn ngành vận tải hàng không GdF đã quyết định bãi công tiếp ngày thứ hai (17/2) bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 10 giờ chiều (tức 21 giờ GMT) để gia tăng sức ép đòi giới chủ sân bay phải đáp ứng yêu cầu và dọa sẽ tiếp tục bãi công nếu đòi hỏi của họ không được đáp ứng.

Dự kiến, trong ngày 17/2 sẽ có 250 chuyến bay bị hủy bỏ.

Bất đồng về tiền lương gây tâm lý lo ngại cho các nhân viên trung tâm kiểm soát không lưu cũng như những người làm việc tại các khu vực khác của sân bay.

Công đoàn GdF đã kêu gọi bãi công sau khi giới quản lý sân bay bác bỏ những đề nghị hòa giải trung gian trong tranh chấp tiền lương giữa giới chủ sân bay và công đoàn hàng không.

Trong khi đó, nhân viên hãng hàng không Iberia của Tây Ban Nha ngày 16/2 đã tiến hành bãi công để phản đối quyết định của ban lãnh đạo hãng về việc thành lập một hãng hàng không mới mang tên Iberia Express, khiến hơn 150 chuyến bay quốc tế bị hủy bỏ.

Theo kế hoạch của hãng Iberia, hãng hàng không mới Iberia Express sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 25/3 tới, chủ yếu thực hiện những chuyến bay tầm ngắn và tầm trung, giúp tiết kiệm được tới 100 triệu euro mỗi năm trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, đồng thời cạnh tranh hiệu quả với các hãng hàng không khác trên thị trường châu Âu.

Công đoàn phi công của Iberia cho rằng, việc thành lập công ty mới sẽ làm giảm tiền lương của họ.

Tại Bồ Đào Nha, công đoàn lớn nhất nước này CGTP đã kêu gọi tổng bãi công vào ngày 22/3 để phản đối cuộc cải cách thị trường lao động của chính phủ, một phần trong kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" nhằm đáp ứng các điều kiện mà Liên minh châu Âu (EU), và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu để đổi lấy gói cứu trợ 78 tỷ euro (103 tỷ USD).

Lời kêu gọi bãi công được đưa ra sau khi các quan chức của "bộ ba" các nhà cho vay quốc tế EU, IMF và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục xem xét nền kinh tế Bồ Đào Nha nhằm đánh giá những tiến bộ của nước này kể từ khi nước này nhận gói cứu trợ hồi năm ngoái.

Các biện pháp khắc khổ mà Lisbon đang thực hiện để đổi lấy khoản tín dụng 78 tỷ euro từ EU và IMF đã không nhận được sự ủng hộ của người dân./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục