Ngành chế tạo châu Á tiếp tục tăng trưởng mạnh

Ngành chế tạo châu Á tiếp tục tăng trưởng là bằng chứng cho thấy vai trò ngày càng cao của khu vực trong phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ngành chế tạo châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng đã tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tháng 3/2010 - một bằng chứng nữa cho thấy vai trò ngày càng cao của khu vực trong quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Chỉ số sức mua hàng chế tạo (PMI) của Trung Quốc đã tăng, từ 52 điểm trong tháng Hai lên 55,1 điểm trong tháng Ba, tháng thứ 13 liên tiếp ở mức trên 50 điểm (hoạt động sản xuất tăng).

Những số liệu trên cho thấy lĩnh vực chế tạo của nước này đang phát triển mạnh.

Chỉ số PMI của Trung Quốc mà ngân hàng HSBC đưa ra còn cao hơn, với mức 57 điểm trong tháng Ba và 55,8 điểm trong tháng Hai.

Số liệu của HSBC còn cho thấy khu vực chế tạo của vùng lãnh thổ Đài Loan cũng tiếp tục đà tăng, với chỉ số PMI 62,7 điểm trong tháng Ba, so với mức 62,5 điểm trong tháng Hai và là mức cao nhất kể từ tháng 12/2005.

Số liệu tương tự của Hàn Quốc và Australia cũng cho thấy khu vực chế tạo ở hai nước này tiếp tục tăng trưởng trong tháng Ba, cho dù ở nhịp độ có chậm hơn so với tháng Hai.

PMI của Hàn Quốc đạt 55,6 điểm trong tháng Ba, sau khi tăng lên mức cao 58,2 điểm trong tháng trước đó, tiếp tục ở mức trên 50 điểm trong tháng thứ 13.

Trong khi đó, chỉ số PMI của Australia trong tháng Ba giảm 3,6 điểm so với tháng Hai xuống 50,2 điểm, vừa đủ để báo hiệu hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục tăng.

Nhà kinh tế Sanjay Mathur của Ngân hàng Hoàng gia Scotland ở châu Á cho rằng các kết quả nói trên cho thấy chu kỳ tăng trưởng xuất khẩu của châu Á có thể sẽ kéo dài hơn dự kiến.

Ông nói: “Xuất khẩu sẽ tăng nhanh. Những dự báo trước đây ám chỉ động lực tăng trưởng của khu vực này bắt đầu chậm lại, nhưng điều này sẽ không xảy ra.”

Nhà kinh tế cấp cao Frederic Neumann của HSBC cũng cho rằng mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng Ba chứng tỏ kinh tế khu vực sẽ tiếp tục tăng trưởng ở nhịp độ khá cao trong những tháng tới.

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp chế tạo tăng cùng với giá dầu thô vọt lên mức cao nhất trong 17 tháng có thể khiến lạm phát của châu Á tăng lên, thúc đẩy chính phủ các nước quyết định rút lại chương trình kích thích kinh tế, mà nhờ nó khu vực này đã nhanh chóng thoát khỏi suy thoái.

Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng HSBC ở Trung Quốc Hongbin Qu cho rằng do áp lực lạm phát, nhiều khả năng chính phủ các nước sẽ siết chặt lãi suất trong thời gian tới./.
Hữu Nghị (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục