Vùng khô hạn Ninh Thuận ngập chìm trong lũ dữ

Vùng đất được mệnh danh "vùng sa mạc" Ninh Thuận đang ngập chìm trong mưa lũ, các xã, thị trấn trong các huyện đều bị chia cắt.
Từ ngày 30/10 đến sáng 1/11, tại các khu vực trong tỉnh Ninh Thuận có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến từ 300 đến 450 mm), gây lụt lớn trên địa bàn tỉnh.

Trên các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 27 bị chia cắt nhiều đoạn, nước tràn qua mặt đường từ 0,5 đến 1m; các tuyến đường tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã bị chia cắt ở nhiều khu vực, hàng trăm người dân bị cô lập giữa vùng nước lũ đang cần cứu hộ, cứu nạn.

Sáng 1/11, được tin hồ Phước Trung (huyện Bác Ái) đang thi công có nguy cơ sạt lở, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vội vã lên đường. Song đến đầu đường 21/8 (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) nước đã ngập hơn nửa mét nên phải đi vòng đường bờ đê sông Dinh để lên đường quốc lộ 27 (đường đi Đà Lạt). Khi đến Trạm Biến điện Tháp Chàm (quốc lộ 27) nước đã lên hơn nửa mét, còn khu vực đèo Cậu nước đã ngập sâu.

Qua điện thoại Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bác Ái Pinăng Thị Thủy cho biết, đập Phước Trung bị vỡ, nước đang đổ mạnh về xuôi.

Trong cuộc hành trình trên quốc lộ 27, Quốc lộ 1A, tỉnh lộ 703,  các phóng viên tận mắt chứng kiến nhà cửa, ruộng vườn ở 2 bên đường ngập chìm trong nước.

Tại khu vực Lương Can (Nhơn Sơn) lực lượng Công an tỉnh đang khẩn trương cứu hộ người dân bị kẹt trong vùng lũ. Xã Hộ Diêm (huyện Thuận Bắc) thông báo, hiện có nhiều hộ dân ngồi trên nóc nhà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận, Nguyễn Đức Dũng chỉ đạo Công an tỉnh điều ca nô đến cứu.

Các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải trong hoàn cảnh khó khăn không kém, trên vùng đất mệnh danh "vùng cát trắng," "vùng sa mạc" cũng bị "nước ngập trắng đồng;" các xã, thị trấn trong các huyện đều bị chia cắt, bởi nước ngập đường giao thông, ngập khu dân cư.

Nhân dân Khánh Hải (huyện Ninh Hải) đề nghị cho xẻ bờ kè để nước thoát nhanh ra biển, nhưng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh chưa đồng ý.

Hiện tại, các đơn vị bộ đội, công an cùng lực lượng xung kích tập trung cứu dân, nhất là dân bị kẹt tại vùng lũ Phước An, xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước); Phước Dinh (huyện Thuận Nam), Nhơn Hải, Tri Hải (huyện Ninh Hải), Hộ Hải, Bắc Phong (huyện Thuận Bắc), Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn). Trên tuyến đê sông Dinh, các đơn vị Quân sự tỉnh, Đoàn Đặc Công 5 cũng đang tiến hành gia cố đê, di dời dân, bảo vệ Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, đến trưa ngày 1/11 nước lụt đã làm ngập hơn 1.100 ngôi nhà, 56 nhà bị sập, đổ, hư hỏng, 2 nhà tốc mái; 2 người ở huyện Ninh Phước bị mất tích.

Hơn 8.000ha lúa và hoa màu bị ngập; 20 con dê, bò, lợn bị chết; 8 chiếc thuyền bị chìm, gần 70ha ao nuôi tôm, cá bị ngập; 140m tường rào bị đổ; Hồ Phước Trung đang thi công bị vỡ; 450m kênh mương bị sạt.

Đường Văn Lâm-Sơn Hải bị sạt 600m, đường Nhà máy Tuynen-Hiếu Thiện (Phước Ninh) sạt 50m; giao thông nội thôn văn Lâm 2 bị sạt 200m, cầu Vĩnh Trường (Phước Dinh) bị sạt 8m; bờ tràn Vĩnh Hy bị sạt; đường 705 sạt 50m; tuyến đường Hữu Đức-Hậu Sanh bị sạt dài 1,5m, sâu 2m. Cầu treo xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn bị đứt dây.

Nước lũ làm trôi vai đường sắt phía hạ lưu (sâu 0,5m, rộng 0,8m) tại km 1382+500 - Km 1383; ngã đổ 3 trụ điện và 2 trụ điện thoại.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã liên tục thông báo lũ khẩn cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiến hành gia cố đê Sông Dinh; triển khai di dời người và tài sản đến nơi an toàn (đã di dời 3.164 hộ/12.556 khẩu; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống tại chỗ để giúp cho nhân dân trong thời gian tránh lũ.

Mực nước trên các sông tại Ninh Thuận đang ở mức trên báo động III; tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) xảy ra lũ lớn, nước sẽ tiếp tục đổ về Ninh Thuận; Hồ Phước Trung bị vỡ nên khả năng mực nước sẽ dâng cao cục bộ, mực nước trên các sông sẽ xuống chậm./.

Đức Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục