Italy: Chủ tịch DP muốn thành lập chính phủ thiểu số

ông Bersani - người đứng đầu Đảng DP đưa ra khả năng thành lập chính phủ thiểu số dựa trên liên minh lỏng lẻo trong Quốc hội.
Ngày 1/3, ông Pier Luighi Bersani - người đứng đầu Đảng Dân chủ cánh tả (DP) về nhất trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua ở Italy - đưa ra khả năng thành lập chính phủ thiểu số dựa trên một liên minh lỏng lẻo trong Quốc hội.

Ông Bersani nêu ý tưởng này trong bối cảnh các nước đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) đang gây sức ép buộc Italy nhanh chóng giải quyết bế tắc chính trị, nảy sinh do không phe nào giành đủ số phiếu bầu để thành lập chính phủ ổn định sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra cách đây một tuần.

Trả lời phỏng vấn của nhật báo La Repubblica, ông Bersani cho biết chính phủ do ông đề xuất sẽ đặt ra các mục tiêu chính bao gồm nới lỏng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, tạo việc làm, hỗ trợ những người nghèo nhất và giảm chi tiêu của chính phủ.

Đây là những vấn đề mà đảng Phong trào 5 sao (M5S) về ba của danh hài Beppe Grillo cam kết sẽ thực hiện trong chiến dịch vận động tranh cử của mình. Ông Bersani gọi nội các do ông đứng đầu là "Chính phủ thay đổi" và cho biết sẽ đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ mới như các chính phủ tiền nhiệm đã làm.

Theo các nhà phân tích, DP không thể liên danh với các lực lượng trung dung của Thủ tướng tạm quyền Mario Monti vì phe này chỉ chiếm 18 ghế trong Quốc hội 315 thành viên. DP chiếm 116 ghế song mức đa số tối thiểu để kiểm soát Thượng viện là 158 ghế.

[Bế tắc chính trị tại Italy ngày càng thêm trầm trọng]

Ông Bersani đã bác bỏ khả năng thành lập đại liên minh với 113 ghế của các lực lượng trung hữu do cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đứng đầu, với lý do "chưa từng và sẽ không bao giờ" tồn tại sự hiểu biết giữa 2 đảng này.

Hiện chưa rõ các thành viên M5S (chiếm 54 ghế) có ủng hộ tuyên bố trước đó của người đứng đầu đảng này phản đối liên danh với DP hay bất kỳ đảng nào khác hay không.

Cho dù liên danh được với M5S, liên minh do DP đứng đầu này vẫn phải dựa vào sự ủng hộ của các đảng khác trong Thượng viện, một khả năng được các nhà phân tích cảnh báo có nguy cơ bất ổn cao trong bối cảnh Italy đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế của nước này giảm 2,4% trong năm ngoái, trong khi nợ công tăng vọt lên 127% GDP, so với 120, 8% trong năm 2011.

Có ý kiến cho rằng liên minh giữa DP và M5S chẳng khác gì đặt chính phủ vào tay "những kẻ tính khí thất thường" vì M5S từng khiến cả châu Âu lo ngại khi kêu gọi Chính phủ Italy tiến hành trưng cầu ý dân về việc sử dụng đồng euro và kế hoạch xóa nợ, khiến lãnh đạo EU hối thúc Italy bám vào các cam kết tài chính và thành lập chính phủ mới càng sớm càng tốt.

Nhiều nhà phân tích dự báo Italy sẽ phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới trong vài tháng tới để giải quyết bế tắc chính trị hiện nay.

Theo Hiến pháp Italy, Quốc hội khóa mới họp phiên đầu tiên vào ngày 15/3 tới. Sau đó, các bên chính thức đàm phán về thành lập chính phủ mới với Tổng thống Giorgio Napolitano. Chính phủ kỹ trị tạm quyền của ông Monti sẽ tiếp tục điều hành đất nước cho đến khi thành lập xong chính phủ mới.

Cùng ngày, phát biểu khi đang ở thăm Đức, Tổng thống Italy Napolitano đã bác bỏ khả năng sớm tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới. Ông nói: "Italy cần một chính phủ ổn định và không thể tổ chức ngay một cuộc bầu cử mới."./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục