Giữ lửa chiếu chèo

Gánh hát nông dân giữ lửa chiếu chèo ở Thái Bình

Những người nghệ sĩ-nông dân ở Thái Bình đã truyền niềm say mê chèo đến với mọi người, góp phần bảo tồn môn nghệ thuật này.
Cả gánh hát 40 người nhưng có đến quá nửa là các “nghệ sỹ nông dân”. Gắn bó với cái nghề “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” quanh năm song những lúc rảnh rỗi, buông tay cày, tay cuốc là họ lại tìm đến nhau trong những tiếng trống, tiếng phách, tiếng nhị để thỏa niềm mê hát chèo, để rồi lại được mang những làn điệu chèo của quê hương đến với các vùng miền trên cả nước.

Gánh hát ấy là câu lạc bộ UNESCO bảo tồn nghệ thuật sân khấu chèo Đông Hà (tỉnh Thái Bình) do anh Đỗ Thanh Phúc làm chủ nhiệm.

Dựng nghiệp từ “ba không”

Mới nghe qua tên, ai cũng nghĩ hẳn đây là một câu lạc bộ có quy mô tầm cỡ, tập hợp những nghệ sỹ diễn viên chuyên nghiệp bởi “gánh” cả nhiệm vụ là bảo tồn một nghệ thuật dân gian tiêu biểu cho nghệ thuật sân khấu truyền thống đâu phải chuyện thường.

Nhưng trên “quê hương năm tấn” chuyện bấy lâu tưởng như phức tạp ấy lại được “hóa giải” ở mảnh đất làng và từ chính những người nông dân chân lấm tay bùn.

Chúng tôi may mắn gặp những “nghệ sỹ nông dân” ấy ngay tại “trụ sở” của câu lạc bộ khi họ đang cùng nhau tập duyệt vở “Trần Nhân Tông hóa Phật” phục vụ lễ hội đầu xuân.

Gọi là “trụ sở” nhưng thực ra chỉ là một phòng diện tích chưa đầy 30m2 trong nhà của chủ nhiệm Đỗ Thanh Phúc tại xã Lô Giang, huyện Đông Hưng. Đây là nơi thường xuyên luyện tập của cả gánh chèo. Với họ, chuyện có một câu lạc bộ như ngày nay cũng là nhân duyên, tình cờ.

Anh Phúc kể, năm 2005 khi anh tham dự Hội nghị liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, sau cuộc họp anh Nguyễn Xuân Thắng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội lúc bấy giờ có hỏi “Ai là người Thái Bình?”, anh Phúc giơ tay.

Trong cuộc trao đổi, anh Thắng có một trăn trở: Chèo Khuốc (huyện Đông Hưng, Thái Bình) vốn là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chèo dân gian, vì vậy ngay trên chính mảnh đất ấy làm sao để “người người hát chèo, nhà nhà hát chèo”, mê chèo thì mới mong nghệ thuật ấy nảy nở, lan tỏa được những nơi khác?

Chính trăn trở ấy đã giúp niềm đam mê của anh Phúc trở lại và thành lập câu lạc bộ UNESCO bảo tồn nghệ thuật sân khấu chèo Đông Hà .

Sở dĩ lấy tên là Đông Hà cũng bởi ngày đầu thành lập chỉ có 6 người ở huyện Đông Hưng và Hưng Hà, sau đó phát triển lên thành 40 người trong đó ban chủ nhiệm có 8 người làm công tác chuyên môn như đạo diễn, biên đạo múa, thiết kế mỹ thuật, còn lại là diễn viên.

Sau ba năm diễn khắp các địa phương trong tỉnh đến các tỉnh khác như Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, đến nay gánh chèo Đông Hà cũng tạo dựng được “thương hiệu” riêng.

Người yêu mến gánh chèo vẫn nhắc đến những cái tên quen thuộc, trong số đó có cả những người đã có chỗ đứng nhất định trên sân khấu chèo chuyên nghiệp như nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Xuân Lựu, thầy Đoàn Kim San - giảng viên trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Thái Bình và cả những “nghệ sỹ nông dân” như Thanh Đài, Xuân Vỹ, Hồng Ơn… Dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư thì giữa họ đều chung một nỗi say - say chèo.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập câu lạc bộ, nghệ sỹ ưu tú Xuân Lựu chia sẻ, phải mất mấy tháng đầu đội chèo hoạt động trong cảnh “ba không”: không đạo cụ, không sân khấu, không kinh phí.

Cứ tính trung bình để có 1 phút diễn thì bỏ ra 10 phút tập, với một diễn viên chèo chuyên nghiệp việc tập luyện đã là khó khăn, đối với những người nông dân chưa qua trường lớp, quỹ thời gian có hạn thì khó khăn ấy lại nhân đôi.

Thời điểm đó nếu không có sự quyết tâm của tất cả thì câu lạc bộ cũng khó duy trì được vì các thành viên ở phân tán, người xa nhất cũng cách 20 km nên mỗi lần tập hợp được có khi là tập qua trưa.

“Chung lưng đấu cật”, tích lũy dần dần từ chỗ “ba không” rồi mọi thứ cũng đủ. Đến giờ chỉ còn thiếu chiếc xe ô tô phục vụ anh chị em khi đi diễn xa, còn lại từ trang phục biểu diễn, son phấn đến phông bạt, hệ thống ánh sáng đều chuyên nghiệp hết rồi” - anh Lựu phấn khởi nói.

Nơi lưu truyền tiếng hát chèo

Để duy trì hoạt động v ào ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần các thành viên của câu lạc bộ cùng tụ họp giao lưu, tập các tiết mục, vở chèo, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Điều thú vị là trong câu lạc bộ có cả già trẻ, trai gái và còn có cả những cặp vợ chồng cùng tham gia. Chồng công, vợ đào kép cùng nhập vai trên một sân khấu chèo.

Dù đã vào cái tuổi bát tuần, nhưng đều đặn tháng nào ông Bùi Xuân Vỹ (xã An Châu, huyện Đông Hưng) cũng đến sinh hoạt cùng câu lạc bộ. Trong gánh hát này, ông là tay trống điêu luyện nhất và cũng là người nhiều tuổi nhất.

Ông tâm sự, tuổi già việc nặng nhọc không làm được nữa thì tìm đến câu lạc bộ chỉ nghĩ chơi cho vui, sau đi biểu diễn, thấy người dân cũng thích, cũng yêu chèo nên hóa “ham”.

Chị Ma Thị Lý (xã Lô Giang, huyện Đông Hưng) - một trong những người đầu tiên tham gia câu lạc bộ vẫn còn nhớ cảm giác hồi hộp khi lần đầu tiên biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu trong vai Thị Kính (vở Quan Âm Thị Kính).

Chị vui vẻ kể, làm ruộng thì biết cây gì vụ nào, còn đi hát chèo thì phải biết nhịp, biết phách. Lúc đầu tham gia, chỉ biết hát “í a í ơi” vậy thôi, sau này được các anh chị em chỉ dẫn cho cũng biết vài điệu múa, cũng giả đánh mắt “sắc dao cau” cho hợp vai diễn. Thu nhập từ gánh hát cũng chẳng là bao, nhưng nó mang lại niềm vui cho tất cả mọi người.

Trong ba năm qua, câu lạc bộ đã dàn dựng được 7 vở chèo, trong đó có 3 vở dài như Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Sử thi Người cha dựng nghiệp.

Ngoài ra, câu lạc bộ còn dàn dựng được nhiều trích đoạn, tiết mục song ca, đơn ca, sáng tác được nhiều kịch bản hay, những bài hát hay.

Theo đạo diễn, nghệ sỹ ưu tú Xuân Lựu bên cạnh những vở diễn cổ, câu lạc bộ cũng tập trung hướng sang thể hiện các đề tài xã hội mới trên chất liệu chèo để theo kịp nhịp thở của cuộc sống hiện đại như vở “Chuyện tình trên bến sông quê”, “Nỗi đau nơi cửa thiền”... Có như vậy, mới đưa được chèo đến gần hơn với công chúng.

Đến bây giờ xem buổi buổi diễn của câu lạc bộ Đông Hà ít ai biết được, giũ bỏ lớp son phấn, phục trang màu sắc kia ra, đa phần họ là những người nông dân chân lấm tay bùn.

Và cho dù họ là ai thì điều đáng ghi nhận là họ đã truyền niềm say mê chèo đến với mọi người, gần gũi hơn với cuộc sống, tránh sự mai một của hình thức sân khấu nghệ thuật truyền thống.

Với những đóng góp đó, năm 2011 câu lạc bộ đã vinh dự nhận được cờ thi đua xuất sắc của Trung tâm UNESCO văn hóa Đông Bắc và bằng khen của Hội liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam.

Ngày đầu xuân âm thanh tiếng trống, tiếng nhị, tiếng mõ, tiếng í a của những câu chèo đã thành nếp sinh hoạt văn hóa quen thuộc của nhiều làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Và đâu đó, trên nẻo đường của làng quê yên bình ấy vang vọng tiếng hát mộc mạc, đằm thắm của những “nghệ sỹ nông dân”: “Hỡi cô thắt dải lưng xanh - Có nghe chèo Khuốc với anh thì về ”./.

Thu Hoài (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục