Phạm vi dịch cúm gia cầm đã thu hẹp xuống còn ở 5 tỉnh

Dịch cúm gia cầm đã cơ bản được khống chế, trong 2 tuần qua, cả nước không phát sinh thêm ổ dịch nào và hiện chỉ còn 13 ổ dịch tại 5 tỉnh.

Tại cuộc họp chiều nay (1/4), Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cho biết dịch hiện đã cơ bản được khống chế, trong 2 tuần qua cả nước không phát sinh thêm ổ dịch mới nào.

Cụ thể, hiện cả nước chỉ còn 13 ổ dịch xuất hiện tại 5 địa phương gồm: Khánh Hòa, Vĩnh Long, Hà Giang, Bình Thuận, Bến Tre. Tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy gần 15.000 con.

Ban chỉ đạo cũng đặc biệt lưu ý, các ổ dịch chủ yếu phát sinh tại khu vực phía Nam. Dịch cúm gia cầm ở khu vực này diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều hơn với mức độ thiệt hại lớn. Số gia cầm mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy tại khu vực này chiếm đến 70% số lượng gia cầm mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy từ đầu năm đến nay. 

Qua phân tích dịch tễ đợt dịch này cho thấy, trong năm 2014, vi rút cúm H5N1 nhánh 1.1 đã được phát hiện tại ổ dịch trên gà tại Long An, Kiên Giang, và Cà Mau; hầu hết các ổ dịch trên gia cầm (gà, vịt, ngan) tại các tỉnh có dịch do virus H5N1 nhánh 2.3.2.1C.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết việc sử dụng vắcxin chống dịch cũng đòi hỏi nhiều loại do nhiều nhánh virus xuất hiện tại các khu vực.... Vì vậy, Cục Thú y đang tiếp tục giải trình tự gen nhánh virus cúm lưu hành trên cả nước và gửi các mẫu virus đến các phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế để phân tích.

“Bên cạnh đó, Cục cũng tiếp tục triển khai chương trình giám sát virus cúm H7N9 do Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) tài trợ và tăng cường năng lực xét nghiệm chủng virus này cho các cơ quan thú y vùng,” Phó Cục trưởng Đàm Xuân Thành nói.

Cảnh báo về diễn biến thời gian tới, ông Đàm Xuân Thành nhấn mạnh, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao nếu không thực hiện tốt các phòng chống. Do vậy, các địa phương cần tiếp tục tiến hành tiêu trùng khử độc môi trường; phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch.

Mặt khác, các địa phương cần theo dõi những ý khuyến cáo mới nhất của Cục Thú y về lưu hành của chủng virus gia cầm trên địa bàn và hiệu lực các loại vắcxin để tổ chức phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất./.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp người nhiễm virus cúm H7N9. Bộ cũng đưa ra những giải pháp ứng phó dịch này là tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị sớm, tăng cường giám sát dịch bệnh, tiến hành các biện pháp kiểm tra và giám sát nguồn bệnh như khử trùng, đóng cửa các chợ bán gia cầm sống; công khai thông tin, phổ biến kiến thức phòng chống vi rút H7N9 cho người dân.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục