Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt-Pháp lần thứ 9

Việt Nam hy vọng sẽ học được nhiều kinh nghiệm của Pháp để lập giải pháp, cơ chế chính sách quản lý, phát triển bền vững vùng ven đô.
Sáng 19/3, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt-Pháp lần thứ 9 đã khai mạc với chủ đề “Phát triển bền vững vùng ven các đô thị Việt Nam."

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt-Pháp lần thứ 9 đã chọn chủ đề quan trọng, thiết thực đáp ứng được mối quan tâm hàng đầu của chính quyền đô thị của các nước phát triển, trong đó có Việt Nam.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, đô thị hóa là xu thế khách quan và là một trong các tiêu chí xác định quốc gia thuộc các nhóm nước phát triển hoặc đang phát triển. Hiện nay, hệ thống đô thị Việt Nam có 755 đô thị, trong đó có hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất ở Đông Nam Á. Nếu năm 1986, tỷ lệ dân cư sống tại đô thị Việt Nam mới là 19% (khoảng 11,8 triệu người) thì đến năm 2010 đã tăng lên 30,5% (khoảng 26,3 triệu người).

Cũng như nhiều nước đang phát triển, các vùng giáp ranh giữa đô thị và nông thôn của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như dân số đô thị tăng nhanh, khả năng đáp ứng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật-xã hội đô thị, mạng lưới giao thông chưa đủ khả năng phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa, lãng phí việc sử dụng đất, đô thị hóa làm giảm đi diện tích đất nông nghiệp ở các vùng ven đô, mất dần các làng nghề truyền thống, nảy sinh các vấn đề về chênh lệch chất lượng sống giữa người dân ở nội thị và ngoại thị.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, là quốc gia đã phải đối mặt với hiện tượng đô thị hóa mạnh mẽ vào những năm 1950-1960 nhưng tác động của quá trình này vẫn ảnh hưởng tới xã hội hiện nay, Chính phủ Pháp đã thành công trong áp dụng các biện pháp thể chế đặc thù, như xây dựng các đô thị mới xung quanh Paris; đồng thời đưa ra các công cụ quản lý đất đai với tầm nhìn dài hạn trên cơ sở thiết lập hệ thống quy hoạch đồng bộ trên cả nước, khớp nối các quy hoạch với nhau, điều phối phân bổ kinh phí, nghiên cứu các công cụ giúp quy hoạch không gian lãnh thổ nhằm phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn theo hướng phát triển bền vững.

Vì vậy, với những kinh nghiệm của Pháp trong lĩnh vực này, Việt Nam hy vọng sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng các giải pháp, cơ chế chính sách quản lý, phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam.

Theo ông Jacob Christian, đồng Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế-Tài chính Việt-Pháp, diễn đàn lần thứ 9 này sẽ có 15 báo cáo chuyên đề được trình bày tập trung vào các nhóm vấn đề, như chuyển đổi nghề cho nông dân ở vùng đô thị hóa, tiềm năng làng nghề thủ công ven đô Hà Nội, quản lý đất đai ở vùng đô thị hóa, tác động của quá trình đô thị hóa với đời sống kinh tế, xã hội của người dân, các giải pháp và công cụ tài chính hỗ trợ, giao thông tại Hà Nội.... Các kết quả nghiên cứu cũng như các khuyến nghị cho chính sách công của Việt Nam sẽ được báo cáo lên lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.

Đồng Chủ tịch Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, cho biết tổ chức lần đầu năm 2000, Diễn đàn Kinh tế-Tài chính Việt-Pháp là nơi trao đổi thông tin và thảo luận các nghiên cứu, phân tích phục vụ cho chính sách công của Việt Nam.

Sau khi đề cập các vấn đề quản lý và tài chính công (năm 2003), năng lượng và phát triển bền vững (năm 2009), diễn đàn lần này sẽ dành trọng tâm thảo luận và đưa ra các khuyến nghị nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, quy hoạch xây dựng được các chính sách phù hợp giải quyết các thách thức mà các đô thị lớn tại Việt Nam gặp phải, trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.

Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 20/3./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục