Phát triển liên kết bền vững giữa ĐBSCL, TP HCM

Ban chỉ đạo Tây Nam bộ vừa tổ chức hội nghị sơ kết chương trình hợp tác giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 25/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức hội nghị sơ kết chương trình hợp tác giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Phong Quang, Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đánh giá, Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và vùng kinh tế phía Nam; là trung tâm công nghiệp, thương mại, tài chính, dịch vụ, du lịch, khoa học kỹ thuật và là đầu mối giao thương với các địa phương trong nước và nước ngoài.

Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết, triển khai nhiều chương trình hợp tác song phương với các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều mặt, nhất là về thương mại, du lịch, dịch vụ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình hợp tác vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải có sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương và tăng cường sự phối hợp mang tính khu vực giữa nhiều địa phương với nhau để ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, trong thời gian hợp tác vừa qua, các nội dung hợp tác chỉ được triển khai trên diện rộng, riêng biệt với từng tỉnh, thành mà chưa phối hợp nghiên cứu kỹ để đưa ra thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của từng tỉnh, thành cụ thể trong tầm nhìn cả khu vực nhằm xây dựng chương trình hợp tác với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đi vào chiều sâu, đảm bảo hiệu quả phối hợp cao nhất trong khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương và cả vùng.

Vì vậy, hội nghị lần này tập trung vào chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long  - liên kết phát triển bền vững” nhằm nhấn mạnh các cam kết và biện pháp thực hiện thiết thực cho hoạt động liên kết vùng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân cho biết, trong 10 năm qua đã có 782 doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long  với 782 dự án lớn nhỏ khác nhau, tổng kinh phí đầu tư gần 200.000 tỷ đồng.

Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải, cụ thể là đường giao thông vành đai 3, 4 nối các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Quân, ngoài việc doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào cơ sở giao thông vận tải, lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi cũng là một trong những lĩnh vực sẽ được các doanh nghiệp thành phố đầu tư mạnh vào Đồng bằng sông Cửu Long nhằm cung cấp được nguồn thực phẩm như gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, các loại rau màu để cung cấp cho nhu cầu của hơn 8 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh./.

Liên Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục