Phim Việt vất vả leo lên liên hoan phim "chiếu trên"

Chuyện một bộ phim tham dự vài liên hoan phim lớn không đồng nghĩa với việc phim Việt đã được thăng hạng lên đẳng cấp quốc tế.
Việc “Chơi vơi” dạo một vòng tại những liên hoan phim lớn trên thế giới như Venice, Toronto… không có nghĩa là phim Việt đã chính thức bước chân vào sân chơi hạng sang của điện ảnh thế giới.

15 năm mới đến được Venice

Lâu nay cứ phim Việt ra nước ngoài, kể cả tham dự những liên hoan phim "không ai biết đấy là đâu" cũng được tung hô lên tận mây xanh và gắn mác liên hoan phim quốc tế.

Tuy nhiên, liên hoan phim cũng có dăm bảy loại. Phim Việt xuất ngoại nhiều nhưng chẳng có mấy phim lọt vào những liên hoan phim hạng A cỡ Cannes, Berlin, Venice vốn được coi là 3 liên hoan phim danh tiếng nhất thế giới.

Có tên trong danh sách tranh giải Cành cọ vàng, Gấu vàng, Sư tử vàng vẫn là giấc mơ xa vời của điện ảnh Việt khi nền sản xuất phim còn đang thiếu đủ thứ, thiếu chuyên nghiệp từ A đến Z, lượng phim sản xuất mỗi năm chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Cách đây 4 năm, “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng đã gây chú ý tại nhiều liên hoan phim quốc tế nhưng chỉ chinh phục được những liên hoan phim nhỏ mang tính khu vực mà chưa với tới được các liên hoan phim quốc tế cỡ Cannes hay Venice.

Do vậy, có thể nói Bùi Thạc Chuyên là đạo diễn tiếp theo đến từ Việt Nam kể từ Trần Anh Hùng có được phim lọt vào các liên hoan phim tầm cỡ.

Năm 2000, bộ phim ngắn “Cuốc xe đêm” của Bùi Thạc Chuyên đã giành giải Cinefondation Award tại Liên hoan phim Cannes và năm nay lại có mặt tại Venice, Toronto tranh giải hạng mục Điện ảnh thế giới đương đại.

Do vậy, việc "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có tên trong hạng mục Orizonnti dành cho những xu hướng mới trong điện ảnh thế giới tại Liên hoan phim Venice 2009 thực sự là sự kiện dù nó không lọt vào danh sách 24 phim tranh giải Sư tử vàng.

Nói là sự kiện bởi "Chơi vơi" là bộ phim của một đạo diễn Việt Nam, “made in Vietnam” chính hiệu lần đầu tiên có mặt tại liên hoan phim lâu đời nhất thế giới như Venice.

Năm 1995, bộ phim “Xích lô” dù giành giải Sư tử vàng và Fipresci Prize tại Venice nhưng lại là phim của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. “Xích lô” khi ấy chỉ đơn thuần vay mượn quốc tịch Việt Nam để tham dự các liên hoan phim lớn.

Sự xuất hiện của "Chơi vơi" tại các liên hoan phim quốc tế được coi là tín hiệu mới của điện ảnh Việt Nam trong sự hội nhập toàn cầu, một sự công nhận của điện ảnh thế giới những nỗ lực mà các nhà làm phim Việt Nam đang thể hiện.

Trong phần giới thiệu về bộ phim này trên trang web chính thức của liên hoan phim Toronto, một trong những liên hoan phim lớn nhất thế giới có tính chất dự báo giải Oscar năm sau, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và biên kịch Phan Đăng Di (tác giả của "Khi tôi 20", 1 trong 18 phim lọt vào vòng dự thi khu vực phim ngắn tại liên hoan phim Venice 2008 đồng thời tham dự diễn đàn các nhà làm phim trẻ L’ Atelier tại liên hoan phim Cannes 2008) được đánh giá là những người dẫn đầu trào lưu phục hưng nghệ thuật mới trong điện ảnh Việt Nam mà có thể "Chơi vơi" chỉ là sự khởi đầu.

Sự kiện bộ phim Việt Nam tham dự liên hoan phim Venice được hãng thông tấn AFP đánh giá là "biểu hiện sự công nhận hiếm hoi dành cho nền điện ảnh Việt Nam". "Chơi vơi", bộ phim lấy bối cảnh cuộc sống Việt Nam đương đại, được các liên hoan phim lớn để mắt tới là một sự thay đổi lớn.

Nó thay đổi quan điểm trước đây rằng, chỉ những bộ phim làm về những giá trị truyền thống hay khai thác đến tận cùng thân phận của những người phụ nữ Việt Nam như: “Mùa len trâu”, “Mê Thảo thời vang bóng”, “Chuyện của Pao”, “Hạt mưa rơi bao lâu”, “Thời xa vắng”, “Trăng nơi đáy giếng”... mới là "hàng độc", mới là bản sắc của Việt Nam để gây ấn tượng với những programmer (những người xây dựng chương trình) cho các liên hoan phim lớn.

Rõ ràng, những vấn đề của xã hội Việt Nam đương đại cũng có thể trở thành "đặc sản" tại các liên hoan phim và giải thưởng lớn, với điều kiện nó được thể hiện độc đáo.

Hàng chục năm chỉ có mỗi ông Trần Anh Hùng

Tuy nhiên, chuyện một bộ phim tham dự một vài liên hoan phim lớn không đồng nghĩa với việc phim Việt đã được thăng hạng lên đẳng cấp quốc tế. Bởi có quá ít những tên tuổi của điện ảnh Việt Nam nhận được sự công nhận của thế giới.

Năm 2006, "Sống trong sợ hãi" của Bùi Thạc Chuyên đã giành giải tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải nhưng đó chỉ là một liên hoan phim trẻ, không được xếp vào hàng "chiếu trên" như Cannes hay Venice.

Điện ảnh Việt Nam chỉ được biết đến rộng rãi bên ngoài nhờ tên tuổi của các đạo diễn Việt kiều mà tiêu biểu là Trần Anh Hùng, người đã giành giải Camera vàng tại Cannes 1993 với “Mùi đu đủ xanh”, bộ phim sau đó cũng được đề cử Oscar 1994 cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan trong rất nhiều lần tham dự các liên hoan phim quốc tế với cả tư cách khách mời đại diện cho Việt Nam lẫn thành viên ban giám khảo nói rằng cho mãi đến sau này, khi nhắc đến Việt Nam, gần như người nước ngoài chỉ biết đến mỗi Trần Anh Hùng.

Còn lại, điện ảnh Việt Nam gần như "không có gì". Việt Nam đang ở xuất phát điểm như điện ảnh Hàn Quốc cách đây 20 năm và sẽ mất nhiều thời gian nữa để khẳng định mình. Song, sự xuất hiện của đại diện Việt Nam tại các liên hoan phim lớn vào thời điểm phim Hàn đã không còn là món mới, điện ảnh Iran đã mất sức hút thì cho dù có không giành được giải cao, phim Việt sẽ thu hút được sự chú ý của điện ảnh thế giới.

"Khi phim được vào liên hoan phim lớn như vậy, các nhà phát hành lớn sẽ biết: "Á! Có một “thằng” mới!". Họ sẽ để mắt đến phim Việt Nam khi Hàn Quốc đang bão hòa. Điện ảnh Việt tựa như một cô gái mới lớn còn chưa vướng “anh” nào, vẫn còn hấp dẫn và nhiều lựa chọn, được nhiều người để mắt tới", đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ví von.

Song "khi phim được lựa chọn có nghĩa là được đứng ngang hàng với các bộ phim đến từ nền điện ảnh khác, là đã thỏa mãn những tiêu chuẩn cực cao mà liên hoan phim đó đặt ra. Khi bộ phim đã được gắn mác (Seclection Offical) của các liên hoan phim lớn thì đã là thành công nhất.

Trên thế giới có vài chục đạo diễn bậc thầy thường xuyên có mặt tại các liên hoan phim lớn và có tên trong hạng mục tranh giải chính của các liên hoan phim lớn như Cannes, Venice, Berlin... và gần như là con cưng của các nền điện ảnh lớn.

Do vậy với các nhà làm phim không mấy tiếng tăm đến từ các nền điện ảnh nhỏ, có phim dự các liên hoan phim lớn gần như là trúng độc đắc", đạo diễn “Chơi vơi” nói. "Thực ra tất cả các liên hoan phim nổi tiếng trên thế giới từ Cannes đến Berlin, Venice... là một cộng đồng và họ biết về nhau rất rõ. Nếu đã xuất hiện ở đây rồi thì sẽ được chú ý hơn ở nơi khác.

Thêm nữa, việc tôi đến từ Việt Nam cũng ít nhiều gây chú ý hơn", biên kịch Phan Đăng Di nói thêm.

Làn sóng phim Việt tại các liên hoan phim quốc tế: Còn khuya!

Việc có mặt ở các liên hoan phim hay các giải thưởng danh tiếng là hộ chiếu đỏ để bộ phim gây chú ý, bán được nhiều vé hơn và cũng được nhiều hãng phát hành lớn để mắt tới. Rõ ràng khi đứng trước hàng tá bộ phim mới ra rạp, một bộ phim đã có tiếng, chu du hết liên hoan phim nọ đến giải thưởng kia sẽ dễ thuyết phục khán giả bỏ tiền mua vé ra xem hơn nhiều những bộ phim "vô danh tiểu tốt" khác.

Khán giả  thường tò mò tìm xem một bộ phim giành giải thưởng điện ảnh lớn trên thế giới chỉ vì muốn biết nó hay đến cỡ nào mà giành giải thưởng lớn thế, cho dù "khẩu vị" của công chúng thông thường vốn khác xa "khẩu vị" của dân làm phim cự phách cầm trịch ban giám khảo của những giải thưởng lớn.

Với những nhà làm phim, việc hoàn thành tốt một tác phẩm điện ảnh tất nhiên là nhiệm vụ số 1. Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh tâm sự rằng anh dường như kiệt sức sau khi hoàn thành “Mùa len trâu”. Trong vài tháng trời anh gần như không thể làm được gì và bị ám ảnh khủng khiếp bởi đam mê dành cho bộ phim quá lớn.

Bùi Thạc Chuyên cũng vậy. Anh mất tới 5 năm để chuẩn bị cho “Chơi vơi”, kịch bản duyệt lên duyệt xuống nhiều lần, phim đóng máy, anh đã dựng đi dựng lại tới gần 40 bản phim khác nhau để chọn ra bản phim cuối cùng ưng ý nhất.

"Tất cả những người làm phim đều không nghĩ đến chuyện phim của mình làm ra để tham dự liên hoan phim bởi họ không phải là những người mơ tưởng hão huyền và chỉ chỉ tập trung làm phim cho hết mình", Bùi Thạc Chuyên nói.

Với xuất phát điểm của điện ảnh Việt Nam hiện tại, khi chưa có một nền công nghiệp sản xuất phim chuyên nghiệp, đến đầu ra cho phim là các rạp chiếu cũng còn kẹt, ngay cả ở các thành phố lớn mà tiêu biểu là Hà Nội cũng chỉ có ngót nghét chục rạp chiếu hoạt động được, mà không phải rạp nào cũng mở rộng cửa đón phim Việt Nam, thì các nhà sản xuất phim cũng chỉ nghĩ làm sao để tồn tại, làm sao để sống được, cố gắng mỗi năm làm 1 phim chiếu Tết, hy vọng làm phim hòa vốn là may.

Do vậy, đạo diễn nào cũng muốn phim của mình một ngày nào đó được đặt chân vào những liên hoan phim lớn. Đó không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà còn là một bằng chứng cho thấy, bộ phim họ làm ra đã được xếp vào đẳng cấp quốc tế.

Song, với tình hình sản xuất phim èo uột như hiện nay ở Việt Nam thì khó có thể tạo nên một làn sóng phim Việt tại các liên hoan phim lớn. Điện ảnh liên quan mật thiết đến vấn đề tiền bạc vì làm ra một bộ phim vô cùng tốn kém trong khi kinh phí sản xuất mỗi bộ phim của các hãng nhà nước hầu hết chỉ được rót hơn 1 tỷ đồng, các hãng tư nhân thì chịu đầu tư nhưng chỉ tập trung làm phim thương mại hướng vào thị trường trong nước./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục