Triển vọng lạc quan doanh nghiệp tư nhân tại VN

Báo cáo của Grant Thornton cho thấy triển vọng đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân tại VN vẫn tích cực với những quan điểm lạc quan.
Grant Thornton Việt Nam - công ty quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán và tư vấn tại Việt Nam, vừa công bố kết quả cuộc khảo sát thực hiện hai lần một năm “Đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam - Quan điểm và Triển vọng đầu tư” thực hiện trong quý 4/2010.

Báo cáo cho thấy mặc dù mức độ lạc quan đối với 12 tháng tới đã giảm so với bản báo cáo gần nhất trong quý 2/2010 nhưng triển vọng chung vẫn là tích cực với 56% số người tham gia khảo sát tiếp tục thể hiện những quan điểm lạc quan, điều này thể hiện qua tỷ lệ 59% số người được hỏi có kế hoạch tăng vốn đầu tư trong 12 tháng tới.

Cuộc khảo sát lấy ý kiến từ hơn 200 người ra quyết định đầu tư tại Việt Nam hoặc những người có quan tâm lớn tới đầu tư vào Việt Nam.

Theo khảo sát, bán lẻ là lĩnh vực thu hút đầu tư nhất và giáo dục vốn là lĩnh vực được ưa chuộng trong các lần khảo sát trước hiện giờ đang tiến gần đến vị trí thứ hai.

Xăng dầu, khí đốt và tài nguyên thiên nhiên vẫn là lĩnh vực đầu tư kém hấp dẫn nhất tương tự như với lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất. Những ngành công nghiệp có sự phụ thuộc vào một mạng lưới quốc tế thường kém hấp dẫn một cách đáng kể so với những ngành hoạt động độc lập trong nước.

Ông Ken Atkinson, Giám đốc điều hành của Grant Thornton Việt Nam nhận định, với mức doanh số bán lẻ nội địa tăng trưởng 25% hàng năm thì không có gì ngạc nhiên khi ngành bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực thu hút đầu tư nhất.

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển dịch từ phương thức chợ truyền thống sang hướng thương mại hiện đại và điều này sẽ mang đến cho nhà đầu tư những cơ hội phát triển thương hiệu cũng như chiếm lĩnh thị phần, làm nền tảng cho sự phát triển của họ trong tương lai.

Theo những người tham gia khảo sát, cũng như trong các báo cáo trước, hạn chế trong việc vay vốn và sự thiếu minh bạch trong doanh nghiệp vẫn đang là những rào cản của việc đầu tư. Tuy nhiên, tham nhũng là yếu tố vốn được đánh giá là nguyên nhân gây cản trở đầu tư lớn nhất thì trong kết quả khảo sát lần này đã trở nên tương đối ít gây khó khăn hơn.

Những vấn đề cản trở đầu tư khác đã được đề cập trong bản báo cáo trước đây như thủ tục hành chính rườm rà, hệ thống pháp lý và cơ sở hạ tầng yếu kém vẫn luôn là những vấn đề nổi cộm kìm giữ việc đầu tư thêm vào Việt Nam./.

Hà Huy Hiệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục