Thông qua tiểu sử ứng cử viên ở các tổ bầu cử

Tham dự cuộc họp từ khu dân cư để thông qua danh sách và tiểu sử các ứng cử viên mới thấy rõ không khí bầu cử sâu, rộng và đến sớm.
Đã sát đến ngày bầu cử 22/5, khi các công việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, nhiều tổ dân cư lại tập trung cho các cuộc họp để thông qua tiểu sử các ứng cử viên và hướng dẫn cử tri cách thức bỏ phiếu.

Tại cuộc họp thứ ba của khu dân cư số 1 thuộc phường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), tối ngày 19/5, phóng viên ghi nhận không khí nghiêm túc, tập trung khi lắng nghe tiểu sử của người ứng cử.

Mỗi người dự họp đều được phát một bộ tài liệu để vừa nghe phổ biến, vừa đọc và suy ngẫm. Lực lượng đông đảo nhất vẫn là các cán bộ đã nghỉ hưu. Cũng có nhiều bạn trẻ tham dự cuộc họp.

Bà Lê Thị Nguyệt-Tổ trưởng tổ dân phố lần lượt đọc tiểu sử của 21 ứng cử viên thuộc tổ bầu cử của mình. Tiếp theo là phần hướng dẫn, phân tích rất cụ thể và có trách nhiệm của ông Đoàn Trung Dĩ, đại diện ban bầu cử.

Tuy không tranh luận "nảy lửa" nhưng cử tri lại bày tỏ quan điểm bằng cách "trao đổi nhóm."

"Anh phó bí thư sinh năm 1984 này, tuổi trẻ sẽ có nhiều cái mới", "theo tôi, cô hiệu phó này là nhà giáo dục thì việc học tập của con trẻ sẽ được quan tâm hơn." Hoặc "Tôi thấy ông này học Phân viện báo chí tuyên truyền sẽ thẳng thắn, mạnh bạo..." Rất sôi nổi và trách nhiệm.

Về phần ban điều hành cuộc họp, từng người đều tận tình hướng dẫn rõ ràng, tỉ mỉ thể thức bỏ phiếu cho cử tri. Nhưng tuyệt nhiên không gợi ý hay tham gia vào phần "thảo luận" của các nhóm về người ứng cử.

Ông Nguyễn Văn Phổ-Bí thư Chi bộ của khu dân cư số 1, người được giao phụ trách đơn vị bỏ phiếu của khu vực này đã phát biểu kết luận cuối buổi họp: "Các ông, các bà, các anh chị về suy nghĩ và trao đổi với các cử tri trong gia đình mình để việc tham gia bỏ phiếu không tùy tiện, thiếu tập trung."

Ông Phổ nói rõ: "Chọn ai là quyền của mỗi cử tri nhưng không có nghĩa là gạch hay bầu tùy hứng. Bởi làm vậy sẽ không thể hiện được trách nhiệm và sự nhìn nhận của chính chúng ta với xã hội. Khi bầu đại biểu Quốc hội là bầu những người lãnh đạo quan trọng với đất nước. Khi bầu đại biểu Hội đồng nhân dân, ta cũng nhớ rằng chúng ta đang bầu người đại diện cho chính lợi ích chung của khu dân cư mà mình và gia đình đang sinh sống." 

Được tham gia một cuộc họp của tổ dân phố với tư cách là cử tri mới thấy rõ dân mình quan tâm tới ngày bầu cử thế nào!/.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục