Iran cắt giảm trợ giá lương thực và nhiên liệu

Từ 19/12, Iran bắt đầu cắt giảm trợ giá của Nhà nước đối với các mặt hàng bánh mì, dầu ăn và nhiên liệu nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Từ ngày 19/12, Iran bắt đầu cắt giảm trợ giá của Nhà nước đối với các mặt hàng bánh mì, dầu ăn và nhiên liệu. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, trong tuyên bố trên truyền hình quốc gia ngày 18/12, cho rằng kế hoạch cắt giảm trợ giá này sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Iran.


Đây là một kế hoạch kinh tế được Tehran dự kiến từ trước song đã phải trì hoãn nhiều tháng. Theo Tổng thống Iran, kế hoạch này được thực hiện sau khi "có những dấu hiệu tích cực" trong các cuộc đàm phán mới đây giữa Iran với Nhóm P5+1 (năm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức).

Iran tuyên bố hiện đang phải chi trả khoảng 100 tỷ USD trợ giá hàng năm, trong đó 4 tỷ USD để trợ giá bánh mì, dù giới phân tích cho rằng tổng số tiền trợ giá thấp hơn nhiều, chỉ ở mức gần 30 tỷ USD.

Trước đó, Iran đã có kế hoạch cắt giảm trợ giá nhiều mặt hàng trong nước, trước khi các lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc liên quan chương trình hạt nhân của nước này có hiệu lực.

Tuy nhiên, chính sách cắt giảm trợ giá lương thực và năng lượng, với tên gọi "phẫu thuật kinh tế" vừa được tuyên bố, khiến giá nhiên liệu tăng gấp bốn lần, lập tức gây tình trạng náo loạn trong nước. Nhiều lái xe tắcxi và xe tải đã thể hiện sự bất bình bằng cách đỗ xe theo hàng dài bao vây các trạm xăng dầu ở Tehran.

Người tiêu dùng nước này cũng phản đối mạnh mẽ chính sách cắt giảm trợ giá của Chính phủ Iran. Các đơn vị cảnh sát chống bạo động đã được triển khai ở những khu vực đường giao nhau tại thủ đô để đề phòng bất ổn xảy ra.

Hiện tại, tuy tình hình trong nước trở nên căng thẳng, song vẫn chưa có dấu hiệu sẽ xảy ra bạo loạn tương tự năm 2007, khi Chính phủ Iran áp đặt những hạn chế đối với việc mua xăng dầu trợ giá.

Một số nhà phân tích kinh tế cho rằng chương trình cắt giảm trợ giá này sẽ càng làm cho lạm phát tiếp tục tăng cao hơn, hiện đang ở mức khoảng hơn 20%. Song theo chuyên gia kinh tế Saeed Laylaz, việc cắt giảm nêu trên là một động thái tích cực, sẽ làm giảm bớt mức tiêu thụ năng lượng hiện đang tiêu tốn 1/4 GDP của Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục