Giới chức Mỹ cam kết thúc đẩy cải cách tài chính

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cam kết thúc đẩy cuộc cải cách tài chính sâu rộng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930 thế kỷ trước.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner ngày 2/8 cam kết sẽ thúc đẩy cuộc cải cách hệ thống tài chính sâu rộng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930 của thế kỷ trước.

Phát biểu trước các giám đốc điều hành những tập đoàn lớn của Phố Wall và sinh viên trường Đại học New York, Bộ trưởng Geithner khẳng định chính phủ sẽ hành động nhanh chóng nhằm làm sáng tỏ những quy định tài chính mới, cũng như thay đổi tiến trình soạn thảo các quy định truyền thống do vấp phải nhiều sự chỉ trích.

Ông cho biết các quan chức thuộc các cơ quan chính phủ có liên quan đến cải cách tài chính như Bộ Tài chính, Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED), Ủy ban Chứng khoán và hối đoái (SEC) và nhiều ngân hàng sẽ tham gia vào việc soạn thảo những quy định tài chính mới. Theo kế hoạch, Hội đồng Giám sát ổn định tài chính sẽ phải đưa ra một lộ trình cải cách thống nhất trong cuộc họp đầu tiên của hội đồng này trong tháng Chín tới.

Bộ trưởng Geithner cho biết hai trong số những ưu tiên hàng đầu hiện nay của chính quyền là đơn giản hóa các mẫu đơn xin cấp thẻ tín dụng, các khoản tín dụng và vay thế chấp cũng như việc cải cách hai tập đoàn cho vay thế chấp của nước này là Fannie Mae và Freddie Mac, hiện kiểm soát hơn 50% các khoản vay thế chấp tại Mỹ trị giá hơn 5.000 tỷ USD.

Dự kiến, giới chức Mỹ sẽ xem xét vấn đề cải cách hai thể chế tài chính này tại một hội nghị do Bộ Tài chính chủ trì vào ngày 17/8 tới, từ đó đưa ra kế hoạch cải cách vào đầu năm tới.

Rút ra những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, "Đạo luật cải cách Phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng" mới được Tổng thống Barack Obama ký ban thành luật hôm 21/7, sẽ hạn chế các hoạt động giao dịch tài sản mang tính đầu cơ của các ngân hàng cũng như việc đầu tư vào các quỹ rủi ro và cho phép Chính phủ Mỹ đóng cửa những thể chế tài chính không có khả năng thanh toán nợ.

Văn kiện này cũng lập ra một cơ quan bảo vệ tài chính của khách hàng tại FED, đòi hỏi có sự minh bạch trong các giao dịch phức tạp.

Giới phân tích cho rằng đạo luật này sẽ tác động mạnh mẽ lên những quy định về cải cách hoạt động kinh doanh các sản phẩm phái sinh, hạn chế hoạt động kinh doanh vốn chủ sở hữu và hình thành một cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng cá nhân. Song, các chuyên gia lo ngại cũng như luật cải cách y tế, luật cải cách Phố Wall có nhiều điều khoản phức tạp và chưa thể sớm đưa vào thực hiện.

Cùng ngày, phát biểu tại hội nghị thường niên của các nghị sỹ bang South Carolina, Chủ tịch FED Ben Bernanki cho rằng phải mất một thời gian khá dài nữa cường quốc số một thế giới này mới đưa được nền kinh tế của mình quay trở lại thời kỳ thịnh vượng. Song, ông khẳng định chính quyền đã có kế hoạch quan trọng nhằm đưa nền kinh tế phục hồi hoàn toàn, đồng thời cho rằng khu vực kinh tế tư nhân sẽ góp phần đáng kể trong quá trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục