Syria quyết đạt giải pháp chính trị cho khủng hoảng

Thứ trưởng Ngoại giao Syria Mekdad ngày 11/6 khẳng định quyết tâm của Syria hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.
Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này, ông Faisal Mekdad ngày 11/6 khẳng định quyết tâm của Syria hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài 27 tháng qua cũng như chống khủng bố tại quốc gia Trung Đông này.

Tuyên bố trên được ông Mekdad đưa ra trong cuộc gặp đoàn đại biểu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Âu, trong đó có nhiều nghị sỹ, giới truyền thông cùng đại diện của các tổ chức dân sự.

Bên cạnh việc nhấn mạnh nguyện vọng của Syria đối với một giải pháp chính trị, ông Mekdad cũng khẳng định rằng chống khủng bố là trách nhiệm quốc tế và Syria quyết tâm đấu tranh chống khủng bố nhằm khôi phục an ninh và sự ổn định trên toàn lãnh thổ của đất nước.

Tại cuộc gặp trên, Thứ trưởng ngoại giao Syria cũng chỉ trích việc Liên minh châu Âu mới đây dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với lực lượng đối lập ở Syria trong khi vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với người dân nước này.

Ông Mekdad cho biết Chính phủ Syria đã nhiều lần cảnh báo về hậu quả của việc các nước phương Tây ủng hộ các nhóm vũ trang, trong đó đã nhấn mạnh bản chất "khủng bố" của các nhóm này.

Cùng ngày, Nga và Iran nhất trí cho rằng cuộc khủng hoảng ở Syria cần phải được giải quyết sớm nhất có thể mà không có sự can thiệp quân sự của nước ngoài.

Tại cuộc thảo luận với người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian đang thăm Mátxcơva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nhấn mạnh rằng giải pháp cho vấn đề Syria phải dựa trên "Thông cáo Giơnevơ về Syria," không có lựa chọn nào khác.

Về đề xuất của Nga trong việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của nước này ở Cao nguyên Golan, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abdollahian cho rằng vấn đề này cần phải được tham khảo ý kiến của Damascus, đồng thời nêu rõ Syria hoàn toàn có khả năng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của họ trong trường hợp bị tấn công vũ trang từ bên ngoài.

Nhà ngoại giao Iran cũng cho rằng bất ổn ở Syria đã tác động tiêu cực tới an ninh ở Cao nguyên Golan mà Israel chiếm đóng, và trong tình hình như vậy sẽ rất khó bảo đảm an ninh cho cả Cao nguyên Golan và Israel.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran thăm Nga trong bối cảnh Mátxcơva khẳng định sự cần thiết phải có sự hiện diện của Iran tại hội nghị Geneva về Syria do Nga và Mỹ khởi xướng tổ chức. Nga cho rằng hội nghị này sẽ không đạt kết quả nếu thiếu đại diện của Iran.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Áo cho biết các nhân viên gìn giữ hòa bình nước này đã bắt đầu rút khỏi Cao nguyên Golan, chấm dứt sứ mệnh gìn giữ hòa bình của lực lượng Áo trong gần 4 thập kỷ qua tại khu vực này. Theo tuyên bố của bộ trên, nhóm khoảng 60-80 binh sĩ Áo sẽ về nước trong ngày hôm nay (12/6).

Áo đóng vai trò "xương sống" của Lực lượng giám sát không can dự của Liên hợp quốc (UNDOF) tại Cao nguyên Golan, đóng góp 377 trong số 911 nhân viên lực lượng này. Do vậy, sự rút lui của Áo ảnh hưởng mạnh tới sứ mệnh của UNDOF. Mới đây Nga tuyên bố sẵn sàng thay thế các binh sĩ gìn giữ hòa bình của Áo, song Liên hợp quốc đã từ chối đề nghị của Nga do Hiệp định ngừng bắn giữa Syria và Ixraen ký năm 1974 không cho phép binh sỹ gìn giữ hòa bình của các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ tham gia UNDOF.

Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv ngày 11/6 dẫn nguồn tin tình báo Israel cho biết phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah và Iran đã cắt quan hệ với phong trào Hamas của Palestin, sau khi các tay súng Hezbollah trợ giúp quân đội Syria đánh chiếm thành phố chiến lược Qusair trong tuần qua và bắt giữ 5 thành viên của Hamas tham chiến trong lực lượng đối lập Syria.

Thủ lĩnh Hassan Nasrallah đã ra lệnh đóng cửa các văn phòng của Hamas ở Dahya thuộc khu vực lân cận với thủ đô Beirut của Lebanon. Các cơ sở của Hamas ở miền Nam Lebanon cũng có thể bị trục xuất.

Thủ lĩnh Hezbollah còn cho ngừng mọi hoạt động hỗ trợ quân sự và kỹ thuật cho nhóm quân sự của Hamas là Ezz adin al-Qassam ở Lebanon và Dải Gaza, sau nhiều năm cộng tác mật thiết.

Diễn biến mới này đã làm sâu sắc thêm bất đồng bên trong giới lãnh đạo Hamas, giữa hai bên ủng hộ và chống đối Iran và Syria.

Việc gián đoạn quan hệ với Hezbollah và Iran còn khiến chính phủ Hamas ở Dải Gaza lâm vào khó khăn tài chính nghiêm trọng, do hỗ trợ tài chính từ Qatar đã giảm mạnh trong năm nay, Arập Xêút ngừng mọi trợ giúp từ năm ngoái, trong khi phong trào Anh em Hồi giáo cầm quyền tại Ai Cập đang phải vật lộn với tình trạng ngân khố trống rỗng của chính phủ nước này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục