Giá đường sẽ “dịu” hơn khi nguồn cung tăng

Theo Bộ Công Thương, giá bán buôn đường kính trắng và đường tinh luyện tăng liên tiếp, hiện ở mức cao nhất từ đầu năm tới nay.
Theo Bộ Công Thương, giá bán buôn đường kính trắng và đường tinh luyện tăng liên tiếp, hiện ở mức cao nhất từ đầu năm tới nay do mới bắt đầu vào vụ sản xuất, tồn kho tại các nhà máy không nhiều và tác động tăng cao của giá đường thế giới đã hạn chế nhập khẩu đường.

Giá cao nhất từ đầu năm

So với đầu tháng 10, giá đường vào thời điểm hiện nay đã tăng từ 10-14% (mức tăng mạnh nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh từ 13-14%, tại Hà Nội và miền Trung từ 10-12% với đường kính trắng).

Trong tháng 10, giá đường kính trắng đã tăng bốn đợt. Đợt 1 tăng 200 đồng/kg, đợt 2 tăng 800 đồng/kg, đợt 3 tăng 600 đồng/kg và đợt 4 tăng 600 đồng/kg, hiện ở mức 19.000-19.500 đồng/kg.

Giá đường tinh luyện tăng hai đợt. Đợt 1 tăng 800 đồng/kg và đợt 2 tăng 600 đồng/kg, hiện ở mức 19.500 đồng/kg. Giá bán lẻ trên thị trường cũng tăng từ 500-1.000 đồng/kg (tùy địa phương), phổ biến từ 20.000-22.000 đồng/kg.

Hiệp hội mía đường Việt Nam (VCSA) cũng thừa nhận, nguyên nhân chính khiến giá đường tăng cao hiện nay vẫn là do cung và cầu trên thị trường mất cân đối. Tiêu thụ đường trong những tháng qua cao hơn cùng kỳ năm ngoái, bình quân khoảng 30.000 tấn/tháng.

Trong khi đó, tính đến cuối tháng 10 chỉ có 12/39 nhà máy đường vào vụ sản xuất 2010/2011 (gồm 10 nhà máy ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nhà máy đường Nước Trong-Tây Ninh và nhà máy đường Bình Định).

Do ảnh hưởng của mưa bão nên một số nhà máy đường sẽ bắt đầu vào vụ sản xuất muộn hơn. Từ đầu vụ đến ngày 15/10, các nhà máy mới ép được 301.000 tấn mía, đạt 21.000 tấn đường. Lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường đến 15/10 là 20.000 tấn (cùng kỳ năm trước là 19.400 tấn).

Hơn nữa, trong số 300.000 tấn đường được cấp quota nhập khẩu trong năm nay, các doanh nghiệp mới chỉ nhập về khoảng 200.000 tấn vì giá đường trên thế giới liên tục đứng ở mức cao khiến việc nhập khẩu không hiệu quả.

Ảnh hưởng của thời tiết đã khiến sản lượng của hai nước cung cấp đường chủ yếu cho thế giới là Ấn Độ và Brazil bị sụt giảm đáng kể. Trong nước, giá mía tại ruộng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang được thu mua ở mức 1,1 triệu đồng/tấn.

Những điều này đã khiến giá đường tinh luyện (RE) tại các nhà máy có lúc lên tới 19.000 đồng/kg.

Tăng cung, giá sẽ hạ?

Theo ông Hà Hữu Phái, Tổng Thư ký VCSA, tình hình cung cầu đường chỉ có thể cải thiện vào tháng 12 khi tất cả các nhà máy mía đường trong cả nước đều đi vào hoạt động. Ông Phái cho biết, bước sang tháng 12, gần 40 nhà máy mía đường trên toàn quốc sẽ đi vào sản xuất.

Khi đó, sản lượng mỗi tháng có thể đạt từ 150.000-200.000 tấn, trong khi lượng tiêu thụ chỉ vào khoảng 100.000 tấn/tháng. Nhưng ngay cả vào thời điểm này, giá đường cũng ít có khả năng giảm nhiều do gần đây giá đường trên thế giới liên tục có sự biến động rất mạnh.

Ông Phái dẫn chứng, vào ngày 1/11 giá đường trên thị trường London còn đứng ở mức 734 USD/tấn thì hôm 4/11 đã tăng lên 772,7 USD/tấn.

Điều này khiến diễn biến của giá đường thời gian tới tương đối khó dự báo, vì vậy các nhà sản xuất cần sử dụng lượng đường lớn cần hết sức thận trọng, tránh mua vào ồ ạt khiến giá đường bị đẩy lên cao quá mức.

Bộ Công Thương đã rà soát và yêu cầu các đơn vị đã được cấp hạn ngạch nhập khẩu tiến hành nhập khẩu theo đúng cam kết để bình ổn thị trường./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục