Thái Lan chấm dứt áp dụng Luật An ninh nội địa

Thái Lan đã ngừng áp dụng Luật An ninh nội địa sau khi lực lượng "áo đỏ" ủng hộ ông Thaksin hoãn kế hoạch tụ tập biểu tình.
Chính phủ Thái Lan ngày 1/12 đã ngừng áp dụng Luật An ninh nội địa (ISA) sau khi lực lượng "áo đỏ" ủng hộ cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra hoãn kế hoạch tụ tập biểu tình tại thủ đô Bangkok.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva tuyên bố: "Chính phủ nhận định ISA không còn cần thiết tại Bangkok, vì vậy đã quyết định ngừng áp dụng luật này từ ngày hôm nay (1/12)".

Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã quyết định áp dụng ISA từ ngày 28/11-14/12 để trấn áp các cuộc biểu tình của những người "áo đỏ" dự kiến bắt đầu từ ngày 28/11.

Tuy nhiên, lực lượng này đã hoãn biểu tình sau khi ông Thaksin cho rằng tiến hành biểu tình thời điểm này quá gần ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 82 của Nhà vua Bhumibol Adulyadej vào 5/12.

Đây là lần thứ sáu trong năm nay Chính phủ Thái Lan phải áp dụng ISA - đạo luật cho phép chính quyền huy động quân đội, cấm tụ tập và áp đặt giới nghiêm.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Abhisit ngày 29/11 đã bác bỏ thông tin cải tổ nội các. Hãng thông tấn TNA dẫn lời ông Abhisit cho biết lúc này không phải là thời điểm thích hợp để cải tổ nội các vì Thái Lan cần có sự ổn định chính trị.

Trước đó, báo chí Thái Lan đưa tin các đảng liên minh, gồm Đảng Vì Tổ quốc (Pheu Pandin) và Đảng nước Thái tiến bộ (Chart Thai Pattana), đã gây áp lực đòi Thủ tướng Abhisit cải tổ nội các.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Korn Chatikavanij bày tỏ lo ngại bất ổn chính trị kéo dài sẽ kìm hãm đà phục hồi kinh tế trong nước năm nay và năm tới. Theo ông Korn Chatikavanij, Chính phủ Thái Lan đang tiếp tục tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế, trong bối cảnh sản lượng công nghiệp tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2008 và sự sụt giảm trong xuất khẩu đã dịu lại.

Dự đoán kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng 2-3% vào năm 2010 sau khi suy giảm ước tính 2,5-3% trong năm nay. Ngoài bất ổn chính trị, một số chuyên gia lo ngại nguy cơ lạm phát do giá xăng dầu, kim loại và các nguyên vật liệu khác tăng lên, dẫn đến khả năng tăng lãi suất, từ đó tác động đến cả nhu cầu tiêu dùng và hoạt động đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục