Nhiều ý kiến về bổ sung cơ cấu, thành phần bầu cử

Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở các tỉnh, thành phố, có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử.
Ngày 25/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội và các tỉnh Khánh Hòa, Yên Bái, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại Hội nghị hiệp thương ở Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Điệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố cho biết, số lượng đại biểu Quốc hội của thành phố Hà Nội được phân bổ là 30 đại biểu, trong đó có 11 đại biểu do Trung ương giới thiệu và 19 đại biểu của địa phương.

Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội dự kiến có 10 đơn vị bầu cử ở thành phố nên cần hiệp thương, giới thiệu 50 ứng cử viên trong danh sách bầu. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất sẽ giới thiệu số lượng 57 người để các bước hiệp thương sau sẽ lựa chọn đủ ứng cử viên cần thiết. Nhiều đại biểu đề nghị giảm số đại biểu thuộc doanh nghiệp Nhà nước, mà tăng đại biểu thuộc khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh; trong cơ cấu nên có đại biểu người dân tộc và đại diện cho giới báo chí Thủ đô.

“Kinh tế ngoài nhà nước chiếm tới 97% việc làm, trong khi thể hiện trong cơ cấu có 2 đại biểu thuộc khối doanh nghiệp ngoài nhà nước so với 6 đại biểu của doanh nghiệp nhà nước là không phù hợp với đường lối của Đảng. Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 5 Hiệp hội doanh nghiệp nên đại diện mỗi Hiệp hội cần có 1 đại biểu để có tiếng nói với Quốc hội về lĩnh vực kinh tế,” bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XII đề nghị.

Cũng theo bà Loan, cần phải tăng tỷ lệ đại biểu nữ từ 20% trở lên.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Lưu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội kiến nghị, nên tăng thêm tỷ lệ nữ doanh nhân. Theo đại diện của Ủy ban Hòa bình thành phố Hà Nội, hiện nay việc tự ứng cử ở hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lên so với trước đây, do vậy nên tăng số lượng này lên, thay cho trong cơ cấu hiện nay chỉ có 3 người tự ứng cử. Số lượng hiệp thương lần 1 càng lớn thì càng có cơ hội lựa chọn đại biểu có chất lượng.

Sau khi thảo luận sôi nổi về số lượng, cơ cấu dự kiến, Hội nghị đã thống nhất có 60 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII, trong đó bổ sung thêm 3 ứng cử viên cho khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh so với cơ cấu dự kiến ban đầu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố.

Tại Khánh Hòa, tổng số đại biểu Quốc hội được bầu là 7 người, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã nhất trí có tổng số 13 ứng cử viên tại 3 đơn vị bầu cử trong tỉnh, trong đó có 1 đại biểu tự ứng cử.

Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, theo Luật định, với tổng số dân trên 1,170 triệu người, số đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa được bầu là 53 người.

Hội nghị đã thảo luận và nhất trí giảm số đại biểu thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tăng cường đại biểu ở các đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh, nên đã bổ sung thêm 3 đại biểu thuộc các doanh nghiệp: Tập đoàn Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (có trụ sở chính tại Nha Trang), Hợp tác xã thủy sản Thống Nhất, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Vương.

Hội nghị nhất trí có tổng số 97 đại biểu dự bầu, đảm bảo cơ cấu hợp lý về số lượng người đang công tác ở các cơ quan đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang..., đồng thời đảm bảo hợp lý tỷ lệ số đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu nữ, tôn giáo, đại biểu trẻ tuổi, nông dân và doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế; trong đó có 5 đại biểu tự ứng cử.

Tại Yên Bái, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII là 6 đại biểu, trong đó đại biểu cư trú tại địa phương là 4 người, gồm có 1 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh; 1 đại biểu chuyên trách, 1 đại biểu thuộc Hội Nông dân.

Về cơ cấu kết hợp, gồm 2 đại biểu nữ, 1 đại biểu trẻ tuổi và 2 hoặc 3 đại biểu tái cử. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã thống nhất tổng số đại biểu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII gồm 12 người, trong đó có 6 người dân tộc Kinh, 6 người dân tộc thiểu số. Về đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu 118 người, trong đó dự kiến có 15% số đại biểu duới 35 tuổi, 32% đại biểu nữ, 10% người ngoài Đảng. Về cơ cấu dân tộc, có 48% là người dân tộc thiểu số.

Tại Trà Vinh, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII được phân bổ là 6, trong đó có 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Sau khi thảo luận một cách dân chủ, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở Trà Vinh thống nhất số lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII là 12 người, trong đó tối thiểu có 2 ứng cử viên là nữ, 1 ứng cử viên trẻ và 1 ứng cử viên là người ngoài Đảng, không hạn chế thành phần dân tộc.

Tại Vĩnh Phúc, theo phân bổ, số đại biểu Quốc hội khóa XIII được bầu là 6, trong đó 4 đại biểu do địa phương giới thiệu, 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, nhất trí có 12 người ứng cử. Về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, Hội nghị đưa ra số lượng được bầu theo luật là 50 đại biểu; dự kiến giới thiệu đề cử 110 ứng cử viên và 2 người tự ứng cử.

Tại Bắc Giang, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất diễn ra chiều 25/2. Tỉnh Bắc Giang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến phân bổ bầu 8 đại biểu Quốc hội khoá XIII; trong đó có 3 đại biểu Trung ương giới thiệu về bầu tại tỉnh và 5 đại biểu đang cư trú, công tác tại địa phương. Hội nghị đã nhất trí số người tự ứng cử là 3 người; các cơ quan, đơn vị trong tỉnh giới thiệu 16 người ứng cử thuộc các lĩnh vực: chuyên trách công tác Đảng, quân sự, giáo dục, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, lao động-thương binh-xã hội và doanh nghiệp.

Trong số 16 người ứng cử do các cơ quan, đơn vị trong tỉnh giới thiệu, tỷ lệ nữ chiếm 25%, là người dân tộc thiểu số chiếm 18,7%, người ngoài Đảng chiếm 25% và tuổi trẻ chiếm 18,7%.

Tại Hải Dương, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII được phân bổ là 9, trong đó có 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu về ứng cử. Sau khi thảo luận dân chủ, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thống nhất số lượng ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Hải Dương là 16 người, trong đó 3 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu và 13 do tỉnh giới thiệu. Về bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân  tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, Hội nghị thống nhất giới thiệu 102 người ứng cử để bầu 64 đại biểu.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở Hòa Bình, sau khi cân nhắc kỹ cơ cấu thành phần, chú trọng chất lượng đại biểu, 100% tổ chức thành viên và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố đã thống nhất với dự kiến giới thiệu 12 ứng cử viên để bầu 6 đại biểu Quốc hội khóa XIII, bao gồm cả 2 người do Trung ương giới thiệu.

Về cơ cấu, dự kiến có 1 đại biểu là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, 1 đại biểu Quốc hội chuyên trách, 1 đại biểu khối nội chính (thay thế cho cơ cấu định hướng ban đầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Viện kiểm sát tỉnh), 1 đại biểu là doanh nhân.

Về cơ cấu, thành phần, số lượng Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2011-2016, Hội nghị hiệp thương tán thành số lượng bầu là 60 đại biểu; trong đó khối các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang ở tỉnh là 33 đại biểu; khối các huyện , thành phố và cơ sở là 27 đại biểu. So với dự kiến của Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, Hội nghị hiệp thương đã điều chỉnh cơ cấu, thêm 1 đại biểu của Hội Cựu chiến binh và 1 đại biểu dân tộc Dao ở cơ sở. Do khó khăn về nguồn cán bộ nữ, nên tỷ lệ cán bộ nữ dự kiến tham gia Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa này chỉ đạt tỷ lệ 18%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục